Chủ động nguồn cung nông sản dịp Tết

20/10/2021 5:06 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng từ nay đến cuối năm 2021 cũng như dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp Hà Nội đã mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Người dân thu hoạch rau và gối vụ cây trồng. Ảnh: Thành Nam

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến hết tháng 9, các địa phương trên địa bàn đã thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông. Toàn Thành phố phấn đấu gieo trồng 32.548,4 ha cây vụ Đông, tăng 2.859,3 ha so với kế hoạch đầu năm; trong đó, huyện Mỹ Đức có diện tích cây vụ Đông tăng cao nhất với 839,5 ha, Thường Tín tăng 618,5 ha, Sơn Tây tăng 378 ha, Hoài Đức tăng 340 ha, Ứng Hòa tăng 320 ha, Quốc Oai tăng 230 ha, Thạch Thất tăng 109 ha so với kế hoạch ban đầu.

Các cây trồng chủ lực trong vụ Đông năm nay vẫn là rau, ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây... Hà Nội sử dụng giống ngắn ngày và chủ lực là chất lượng cao. Đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương, khoai tây làm thực phẩm cho người và là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2022.

Dù bị ảnh hưởng thời tiết với nhiều đợt mưa lớn, nhưng đến thời điểm này huyện Mỹ Đức đã hoàn thành gieo trồng gần 1.000ha cây vụ Đông, gồm: Đậu tương, ngô, khoai tây, bí xanh, bí đỏ và rau các loại.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, xác định thị trường tiêu thụ đang có những biến động thất thường nên vụ Đông năm nay, huyện chủ động tăng diện tích các loại nông sản dễ vận chuyển và bảo quản được lâu.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, Sở đã triển khai chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất; chủ động tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản.

Song song với điều chỉnh tăng thêm diện tích sản xuất, các huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ người dân như hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón để tăng khả năng thâm canh, đầu tư chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để người sản xuất yên tâm đầu tư.

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản

Từ nay đến cuối năm 2021, ngoài mở rộng diện tích trồng trọt, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, mở rộng khoảng 600 ha diện tích nuôi kết hợp cá - lúa; phấn đấu nâng tổng diện tích nuôi trong năm 2021 đạt 24.000 ha với sản lượng ước khoảng 120.000 tấn các loại.

Khu vực mở rộng diện tích nuôi trồng gồm huyện Thanh Trì phát triển thêm 5 ha nuôi cá chép, rô phi cỡ lớn; huyện Mê Linh mở rộng 59 ha nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi, mè, trôi, ếch... Một số huyện khác cũng dự kiến mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản như: Mỹ Đức 79 ha, Phú Xuyên 50 ha, Thạch Thất 60 ha, Ứng Hòa 111 ha, Thường Tín 77 ha...

Những ngày này, nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản lớn như Ứng Hòa, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất... đang tập trung thả nuôi lứa mới để gối vụ cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Hà Nội khoảng 19.250 tấn/tháng, trong khi đó, khả năng đáp ứng của nông nghiệp Thủ đô là 10.150 tấn/tháng, khoảng 52,7%. Số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác khoảng 9.100 tấn/tháng, chiếm 47,3%.

Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của Thành phố là hơn 23.400 ha với sản lượng 9.675 tấn/tháng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng sản lượng ước đạt hơn 87.000 tấn, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Nông dân các vùng nuôi trồng thủy sản đang tập trung thả nuôi lứa mới và chăm sóc cá để phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán năm 2022 sắp tới.

Thành Nam

Top