Chuyển biến tích cực trong quản lý di tích

01/06/2018 5:38 PM

(Chinhphu.vn) - Đánh giá của Sở VH&TT Hà Nội cho thấy, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể; việc kiểm tra di tích có sự đột phá để nắm bắt những khó khăn, hạn chế, những đề xuất, kiến nghị của địa phương để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác quản lý di tích.

Hiệu quả từ kiểm tra liên ngành

Tại hội nghị tổng kết về khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa trên địa bàn Hà Nội tổ chức hôm nay (1/6), Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội cho biết, sau khi rà soát, số di tích trên địa bàn Hà Nội hiện có 5.922 di tích. Trong đó, có 1 di tích xếp hạng Di sản thế giới; 11 di tích xếp hạng Quốc gia đặc; 1.182 di tích xếp hạng Quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng Thành phô và 3.487 di tích chưa xếp hạng. Dự kiến, số lượng di tích xếp hạng trong năm 2018 là khoảng 70 di tích.

Một trong những kết quả nổi bật của năm 2017 là công tác kiểm tra di tích có sự đột phá. Những năm trước, thành phần tham gia kiểm tra phần lớn chỉ có cơ quan văn hóa và chính quyền địa phương, và việc kiểm tra di tích được thực hiện ở từng di tích cụ thể hoặc theo chuyên đề.

Năm 2017 là lần đầu tiên cơ quan văn hóa Thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các đơn vị: Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Ban tôn giáo Thành phố và mời Cục Di sản văn hóa kiểm tra công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2017, đoàn đã tổ chức kiểm tra được 16 địa bàn với gần 60 di tích thuộc các địa bàn: Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Đống Đa, Tây Hồ, Gia Lâm, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Sơn Tây và Ba Vì.

Đợt kiểm tra năm 2017 đã giúp Thành phố nhìn nhận, đánh giá công tác quản lý di tích trên tổng thể chung, nắm bắt những khó khăn, hạn chế, tồn tại và những đề xuất, kiến nghị của địa phương để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác quản lý di tích trong những năm tới. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, đoàn đã lưu ý địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch của UBND Thành phố, trong đó yêu cầu các dự án bảo tồn tôn tạo, tu bổ di tích phải được sự thỏa thuận của cấp xếp hạng và của Sở VH&TT đối với di tích chưa được xếp hạng trước khi phê duyệt.

Tiếp tục xác định tồn tại để nâng cao hiệu quả quản lý

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, so với những năm trước đây, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể. Đặc biệt là năm 2016, trong quá trình xây dựng Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, Sở VH&TT đã phối hợp với các địa phương căn cứ tình hình quản lý thực tế và các quy định để xây dựng nội dung về quản lý và phân công quản lý giữa cơ quan Sở và UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn và Ban quản lý di tích cơ sở.

Sở VH&TT đã phối hợp với Sở Nội vụ, các quận, huyện, thị xã để rà soát, qua đó, báo cáo Thành phố như chức năng nhiệm vụ giữa Phòng Quản lý di sản và Ban quản lý di tích danh thắng thuộc Sở; tiếp thu ý kiến của các địa phương để tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn địa phương thực hiện sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng cấu kiện và yếu tố nguyên gốc của di tích để cơ sở dễ thực hiện, thuận lợi cho việc huy động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn địa phương thực hiện công tác quản lý di tích đúng quy định pháp luật và Quy chế quản lý di tích trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Động, thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế như đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích của các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng di tích xuống cấp lớn, mặc dù đã được chính quyền quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để tu bổ. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập…

Ngoài ra, việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập như: Việc khoanh vùng được thể hiện trên các loại bản đồ khác nhau (rải thửa, trích đo, sơ đồ, trích lục...) nên khi đối chiếu với thực tế sử dụng hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc xác định ranh giới, diện tích. Trong khu vực khoanh vùng di tích còn lẫn nhiều hộ dân, các công trình đã ổn định từ nhiều năm nên khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng của các hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích.

Công tác rà soát về phạm vi bảo vệ đối với di tích đã xếp hạng, chưa thực hiện việc rà soát đối với di tích chưa xếp hạng, xác định hiện trạng về sử dụng đất, nhà và di tích, những tồn tại hạn chế cần xử lý, khắc phục, xác định rõ trách nhiệm quản lý. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn chậm chưa được nhiều. Việc đề xuất đối với nội dung việc ghi nhận hiện trạng và quy định và các yêu cầu trên giấy chứng nhận để quản lý, không làm phát sinh tình trạng lấn chiếm đất di tích.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ Sở VH&TT xác định năm 2018 là giao các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát về phạm vi bảo vệ di tích và xác định hiện trạng về sử dụng đất, nhà và di tích, những tồn tại, hạn chế cần xử lý, khắc phục; tiếp tục thực hiện và hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đât các di tích trong danh mục kiểm kê.

Ngoài ra, UBND cấp huyện có kế hoạch di dân giải phóng mặt bằng khu vực bảo vệ di tích. Trường hợp phạm vi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích không bảo đảm tính khả thi trong việc quản lý; không phù hợp với sự biến động trong công tác quản lý đât đai thời gian qua hoặc những lý do khác, thì nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đảm bảo quy định của pháp luật di sản văn hóa và pháp luật đất đai. UBND cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với đất trong khu vực bảo vệ di tích bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, trái với pháp luật.

Hòa An

Top