Còn mãi dấu ấn Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

18/08/2017 2:32 PM

(Chinhphu.vn) - Trong trang vàng lịch sử của Thủ đô mãi khắc ghi sự đóng góp và công lao to lớn của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Năm 1944, sau khi được thành lập, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tập hợp được đông đảo thanh niên, học sinh yêu nước, trở thành một tổ chức độc lập, tinh nhuệ, là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gặp mặt các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu

Những năm 1939, thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước. Sự đàn áp của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, trong đó có học sinh trường Bưởi. Tháng 9/1940, một tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. Vào 4 năm sau, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp…

Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội. Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được phân công thực hiện các nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp với các cuộc mít tinh, biểu tình vũ trang trong các công sở, trường học, trên tàu điện, rạp hát, rạp chiếu bóng… Đồng thời, có trách nhiệm tham gia phá các cuộc triển lãm, mít tinh do địch tổ chức, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, diệt ác ôn mật thám và bọn đầu sỏ các Đảng phái phản động thân phát xít Nhật…

Theo bác Lê Đức Vân (nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội; Thành viên cuộc họp Ủy viên Quân sự cách mạng và Thành ủy mở rộng quyết định Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945, hiện là Trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu), cuối năm 1942, Trung ương Đảng có chỉ thị cho các Đảng bộ, đặc biệt là các thành phố lớn phải tổ chức Ban dân vận và ra một tờ báo riêng. Chấp hành chỉ đạo đó, Ban cán sự Đảng TP. Hà Nội chủ trương phát triển thanh niên cứu quốc trong các tầng lớp trí thức, học sinh.

Bác Lê Đức Vân, hiện là Trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu

Bác Lê Đức Vân cho biết, thời điểm năm 1941-1942, bác Lê Đức Vân đang học trường Bưởi, ở đây có tổ chức coi là tiền thân cách mạng tập hợp một số học sinh giỏi ở nội trú, qua các bài giảng hướng học sinh đến với tinh thần yêu nước và cách mạng, trau dồi ý thức dân tộc.

Sau khi được thành lập vào tháng 8/1944, tại số nhà 46 Bát Đàn, các đoàn viên, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng từ hình thức thấp tới hình thức cao như: Rải truyền đơn, dáp áp phích, kẻ khẩu hiệu, treo cờ Việt Minh, tổ chức mít tinh quần chúng ở những nơi đông người, mua sắm vũ khí, thành lập các đội tự vệ vũ trang, mở các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc, diễn thuyết xung phong ở các chợ, trường học, các rạp hát, rạp chiếu bóng… Đoàn thành niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng.

Chiều ngày 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn, địch tổ chức mít tinh tuyên truyền cho công lao của Nhật và chính quyền bù nhìn. Một số chiến sĩ của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ phá bằng được lễ mít tinh. Cuộc mít tinh của địch vừa bắt đầu thì các chiến sỹ bất ngờ chiếm lấy diễn đàn, buông lá cờ đỏ sao vàng từ gác Nhà hát Lớn xuống, đại diện Việt Minh đứng lên diễn thuyết, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, kêu gọi nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh, đánh đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quảng đại quần chúng, đi qua các phố lớn... Việc phá lễ mít tinh của địch ngày 17/8 đã tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa 19/8 thành công.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội với các hoạt động cách mạng có ảnh hưởng to lớn trong nhân dân, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu thực sự là lực lượng xung kích của cuộc vận đông cách mạng ở Hà Nội, của cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 toàn thắng ngay tại nơi trung tâm đầu não của chính quyền thực dân. Cuộc khởi nghĩa không đổ máu đã tập hợp được 20 vạn nhân dân Hà Nội, trong đó chủ yếu là thanh niên, học sinh. Ở những thời điểm khó khăn nhất vai trò của thanh niên đã vô cùng rõ ràng, là nòng cốt để giành chính quyền.

Bác Lê Đức Vân nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng đã cống hiến tuổi thanh xuân không hoang phí và luôn luôn tự hào đã cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng”.

Nhớ về những ngày này cách đây 72 năm, Đại tướng Nguyễn Quyết (nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945; Ủy viên Quân sự Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ đạo Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Nội; Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) cho biết: “Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công là một dịp để tôi và bạn bè của mình ôn lại kỷ niệm sâu sắc nhất về một ngày lịch sử, ngày 19/8/1945”.

Theo Đại tướng Nguyễn Quyết, để có ngày 19/8/1945, cùng với đồng chí, đồng bào trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã vượt qua rất nhiều thử thách. Hà Nội khởi nghĩa sớm hơn hơn các tỉnh, thành khác bởi phải chớp thời cơ nghìn năm có một, đúng ngày 19/8, theo kế hoạch đã định, khoảng 20 vạn người ở nội, ngoại thành và các vùng phụ cận từ các cửa ô đã mang theo cờ, băng khẩu hiệu và vũ khí thô sơ đi theo từng hàng, từng khối rất trật tự kéo vào quảng trường Nhà hát Lớn. Sau khi mít tinh, từ điểm xuất phát này, đoàn người khổng lồ rầm rộ tỏa về các hướng, các điểm như: Phủ Khâm sai, trại Bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác. Cùng với ý nghĩa lịch sử đó, về sau Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã quyết định đặt tên quảng trường Nhà hát Lớn là Quảng trường cách mạng tháng Tám. Đảng, Nhà nước đã lấy ngày 19/8 khởi nghĩa thành công của Hà Nội mùa thu năm 1945 làm ngày kỷ niệm tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp, để có ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, rồi lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975. Trở về với địa phương, các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu tiếp tục hăng say lao động, sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Gia Huy

Top