Cụ giáo Đạm – Cả đời thầm lặng vì tình yêu Hà Nội

09/02/2019 9:25 AM

(Chinhphu.vn) - Đến làng Mọc (Giáp Nhất, Hà Nội), ai ai cũng biết đến cụ Nguyễn Bá Đạm và thường gọi cụ với câu thân quen cụ giáo Đạm. Nhắc đến cụ là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, người đã có những cống hiến thầm lặng gần như cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống của Thủ đô.

Cụ Nguyễn Bá Đạm với Giải thưởng Lớn vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Diệu Anh

Cụ Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922, nguyên là giáo viên môn Lịch sử. Ở tuổi 96, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Nguyễn Bá Đạm có một trí nhớ minh mẫn đến ngạc nhiên. Những ký ức đã nghe, đã thấy từ khi lên 6, lên 7 tuổi về Hà Nội cụ vẫn ghi nhớ và kể lại tường tận.

Cụ Đạm kể lại, trước đây, cụ đã cắt đất của gia đình tặng Trường Tiểu học Nhân Chính để xây trường, cất lớp. Vốn là giáo viên dạy lịch sử nên thời gian đó, cụ Đạm đã truyền lửa tình yêu văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội cho các em học sinh qua việc liên tục mở các lớp dạy học ngoại khóa về lịch sử, văn hóa của Hà Nội.

Thời chiến tranh, nhà giáo Nguyễn Bá Đạm sơ tán đi nhiều nơi, nhiều lần định “bỏ Hà Nội”. Nhưng, như lời cụ “vì tôi không muốn xa cái cuống rốn của mình nên bám trụ lại, dù rất vất vả khó khăn”.

Ngoài dạy học, cụ Nguyễn Bá Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, tiền cổ ngay từ nhỏ và được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Cụ bảo rằng sưu tầm tiền cổ để hiểu thêm về những thăng trầm của lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. Từ thú chơi đồ cổ, sưu tầm tiền cổ, cụ Đạm đã có không ít những nghĩa cử cao đẹp như cho Ngân hàng Nhà nước mượn bộ sưu tầm tiền cổ trong hai tháng để triển lãm về tiền tệ; trao những kỷ vật liên quan tới nhà văn Vũ Trọng Phụng (thẻ nhà báo, sổ tay, giấy khai sinh...) tặng gia đình nhà văn nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng...

Cụ được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của họa sĩ Bùi Xuân Phái và là bạn tâm giao của 3 danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại này là các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Cụ cũng thân như anh em một nhà với nhà văn Nguyễn Tuân, cũng là "người mẫu" của danh họa Bùi Xuân Phái nhiều nhất với 242 ký họa chân dung.

Năm 1962, cụ Đạm và danh họa Bùi Xuân Phái quen nhau qua một người bạn. Sau đó, cụ thường sang chơi nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái. Mỗi lần đến, họa sĩ Bùi Xuân Phái lại vẽ ký họa chân dung cụ Đạm với đủ loại chất liệu, trong đó đặc biệt nhất là 12 bức vẽ trên vỏ bao diêm. Tuy nhiên, đến nay, số bức ký họa này cụ Đạm giữ lại không nhiều, phần vì cụ trao đổi để thỏa mãn thú chơi đồ cổ, phần vì cả nể tặng lại bạn bè hoặc ai ngỏ lời xin thì cho, có người được tặng tới 50 bức.

Đến nay, mặc dù tuổi đã cao, cụ Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, sáng 5h thức dậy tập thể dục, đọc báo rồi ngồi vào bàn viết. Cụ đã in được 2 cuốn sách “Thủa ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20”, được bạn đọc và giới nghiên cứu về Hà Nội thích thú vì lối viết giản dị, ngắn gọn nhưng chứa đựng rất nhiều chuyện về Thủ đô ít người được biết.

Hiện cụ đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập Hà Nội xưa kia. Không dừng lại ở đó, cụ dự định vào giữa năm sau sẽ in một cuốn, tạm gọi "Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội", trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

Có thể công chúng chưa biết nhiều về Nguyễn Bá Đạm với công việc thầm lặng như trên. Nhưng ai biết cụ đều rất ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sĩ Hà Nội. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ nhưng sử dụng rất nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian sẽ thành ký ức của cả cộng đồng.

Với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội, cụ Nguyễn Bá Đạm vừa được nhận “Giải thưởng Lớn” giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 vừa qua.

Diệu Anh

Top