Dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải

28/06/2017 4:41 PM

(Chinhphu.vn) – Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường một số dòng sông ở Hà Nội đang ở mức báo động, trong đó có dòng sông Nhuệ, sông Đáy, Hà Nội hiện đang triển khai các dự án xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường.

Tình trạng ô nhiễm nặng của một số dòng sông trên địa bàn Thành phố (như Sông Đáy, sông Ngà, sông Nhuệ- khu vực Ðại Xuyên) do xả thải và xả thải công nghiệp làng nghề không qua xử lý đổ trực tiếp xuống sông gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất của người dân Thủ đô ở những quận huyện liên quan.

Ngoài ra, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm quá trình ô nhiễm… Bên cạnh đó, sau khi sông Nhuệ tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch và sau khi sông Đáy được bổ sung nước từ sông Nhuệ, nhận hầu hết lượng nước tiêu từ hệ thống sông Nhuệ (do các trạm bơm, cống trực tiếp), nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy càng bị ô nhiễm hơn.

Để xử lý tình trạng ô nhiễm ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, Thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Đó là duy trì công tác vận hành trạm bơm Yên Sở, đập điều tiết Thanh Liệt, tăng cường công tác nạo vét duy tu, duy trì hệ thống thoát nước nội thành đảm bảo thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm nước sông Nhuệ; trong các tháng mùa khô đã thực hiện tiếp nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ để góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy.

Hà Nội đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 07 trạm bơm gồm Trạm bơm Ngoại Độ 2, Trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2, Trạm bơm Cổ Nhuế, Nhân Hiền, Xém, Lễ Nhuế 1, Lễ Nhuế 2; Đẩy nhanh tiến độ triển khai 08 trạm bơm và công trình đầu mối: Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Yên Nghĩa, Đông Mỹ, Cụm đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái, Đào Nguyên, Trạm bơm Thạch Nham.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đã hoàn thành và đi vào vận hành (Công suất 20.000 m3/ngày đêm) để xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải của 03 xã có làng nghề ở đầu nguồn sông Nhuệ: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức, nhằm giảm tải trọng chất ô nhiễm ở vùng hạ lưu, trong đó có lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Dự kiến, đến quý II/2017, Hà Nội sẽ hoàn thành thêm Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (8.000 m3/ngày đêm) nhằm tiếp nhận nước thải của khu vực các xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên; xử lý đạt các chỉ tiêu môi trường theo Quy chuẩn Quốc gia về vệ sinh môi trường trước khi xả ra sông Nhuệ.

Hiện nay, Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội (4.000 m3/ngày đêm) cũng đang được xây dựng nhằm tiếp nhận nước thải của khu vực 4 xã: Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch ( huyện Hoài Đức) và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Cùng với các dự án kể trên, Hà Nội đã phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Công suất: 1.000 m3/ngày đêm.

Về các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (cụm CN) trên lưu vực, hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hiện có 03/3 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và 27 cụm CN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Các dự án xây dựng trạm và Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt do Hà Nội triển khai gồm có Trạm xử lý nước thải Kim Liên (3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (2.300 m3/ngày đêm); Hiện các dự án này đang được duy trì, vận hành thường xuyên để xử lý nước thải đô thị thuộc hạng mục Dự án thoát nước giai đoạn 1. Hà Nội cũng đang thực hiện công tác vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô có công suất 84.000 m3/ngày đêm đang được xem xét để phê duyệt điều chỉnh nâng công suất thành 98.000 m3/ngày đêm, dự kiến quý III/2017 sẽ khởi công công trình.

Dự án Trạm xử lý nước thải thải Hồ Tây  hiện đang làm thủ tục hồ sơ pháp lý nâng công suất từ đ 15.000 m3/ngày đêm thành 86.000 m3/ngày đêm.

Đặc biệt, ngày 07/10/2016, Hà Nội cũng đã khởi công xây dựng Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử l‎ý lượng nước thải sinh hoạt..

Bên cạnh đó, Công ty TNHH phát triển THT đang lập dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ giai đoạn 1 (Gồm một phần quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm) với công suất 58.000 m3/ngày đêm.

Bên cạnh Dự án thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Nhuệ (tại 02 thôn Phú Hà, Phú Thứ, huyện Từ Liêm) do ở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (chủ trì) triển khai xây dựng đã đựo nghiệm thu và đã bàn giao lại cho địa phương.

Trước tình trạng ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn Thành phố, có thể thấy, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm sông và cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước sông.

Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố và xử lý vi phạm các cơ sở trên lưu vực sông nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép vào sông, Hà Nội cũng đã và đang xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa, nghiên cứu những cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải trên địa bàn thành phố tao môi trường đầu tư thuận lợi và có hiệu quả trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng của chính quyền, những doanh nghiệp cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của thành phố trong việc xử lý nước thải từ các nhà máy.

 

Minh Anh

Top