Đầu tư mạnh cho nguồn lực nòng cốt Y tế cơ sở

14/12/2021 6:58 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với y tế tuyến đầu, y tế cơ sở luôn được xem là nguồn lực nòng cốt, trung tâm… trong phòng chống dịch. Chính vì vậy, việc đầu tư cho y tế cơ sở là vấn đề thiết yếu, quan trọng, theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Y tế cơ sở có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong những ngày này, cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện sống thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò trụ cột, trung tâm của Y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Thành phố hiện có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã. Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng và nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế một cách toàn diện, đồng bộ với mục tiêu người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí thấp nhất. Thời gian qua, các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đạt chuẩn quốc gia về y tế xã với mức điểm từ 80% trở lên (trên tổng điểm 100). Trong giai đoạn 2010-2020, được sự quan tâm của Thành phố, các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, công tác đầu tư nâng cấp, xây mới, cải tạo cho khối y tế cơ sở đã dần được chú trọng và triển khai tương đối hiệu quả, điển hình như một số Trạm Y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Đống Đa.

Sở Y tế nhận thấy Trạm Y tế đóng vai trò rất quan trọng, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, hệ thống y tế cơ sở phải được chú trọng. Bởi đây là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển kịp thời người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn.

Vì vậy, theo bà Trần Thị Nhị Hà, để đảm bảo chức năng, các nhiệm vụ này và nhằm nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ ban đầu. Đồng thời góp phần đảm bảo thu hút nguồn nhân lực tuyến cơ sở, phù hợp chủ trương đường lối của Trung ương và Thành phố trong giai đoạn hiện nay cần phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các Trạm Y tế không đảm bảo chất lượng, đã xuống cấp. Đối với các Trạm y tế không đảm bảo diện tích buồng phòng theo quy định rất cần thiết phải bố trí bổ sung địa điểm có vị trí và diện tích đảm bảo công năng sử dụng cho công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Trong đó, vấn đề về nhân lực y tế được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên cũng là một tiêu chí khó khăn nhất. Vì vậy không thể xây dựng một Trạm Y tế to đẹp, đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà không đủ đội ngũ nhân viên y tế để vận hành và quản trị.

Thực tế hiện nay, nhiều xã, phường của Thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế, với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe đảm bảo cho tối đa 13.000-15.000 dân. Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh, theo đó định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tại khối trạm y tế, đến thời điểm hiện nay có 66/579 (11,4%) trạm y tế chưa có bác sỹ cơ hữu tại trạm, do đó, ngành y tế đã có giải pháp cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ, tăng cường và làm việc tại Trạm Y tế. Trong dịch bệnh COVID-19 kéo dài, song song với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các trạm y tế cũng phải triển khai đồng thời nhiều hoạt động như tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe các đối tượng cách ly tại nhà cũng như tại các khu cách ly tập trung, trực dịch 24/24h cũng không được nghỉ bù, thậm chí còn phải làm liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trong thời điểm gần đây, tuyến y tế cơ sở còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại cộng đồng. Tất cả những nhiệm vụ trên đều đòi hỏi phải thực hiện thần tốc, nhanh nhất, sớm nhất và rất nhạy cảm khi người dân không được đáp ứng kịp thời. Tại thời điểm hiện nay, số bệnh nhân ngày càng tăng cao, dẫn tới quá tải trong thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề (trung bình từ 5-7 triệu/tháng), khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại y tế cơ sở, Sở Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới các Trạm Y tế nhằm duy trì tiêu chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2021-2025 và đã lấy ý kiến góp ý các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đã tổng hợp trong dự thảo Kế hoạch và đang trong giai đoạn rà soát, phối hợp Sở Kế hoạch và đầu tư trình UBND Thành phố phê duyệt tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng.

Cần có chính sách thu hút cán bộ y tế cơ sở

Để phát triển y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đề xuất Thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở như: Hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại Trạm Y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hằng tháng, hỗ trợ kinh phí khi cử đi đào tạo...; quan tâm tuyển dụng Bác sĩ y học gia đình, y học dự phòng, y học cổ truyền. Đồng thời ban hành cơ chế chính sách cho phép Trung tâm Y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách Thành phố. Như đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 25.000 dân thì cứ thêm 2.000 - 3.000 dân được bổ sung thêm 1 nhân viên y tế và cứ trên 10 cán bộ y tế được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên. Đây là giải pháp căn cơ, cụ thể góp phần quan trọng nhằm ổn định nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở…

Ngoài ra cần tăng định mức kinh phí theo đầu dân cho các hoạt động phòng, chống dịch và sự nghiệp y tế tại tuyến cơ sở. Hiện nay, thành phố đang bố trí kinh phí sự nghiệp y tế dân số 18.000 đồng/người. Mức kinh phí này hiện giờ vẫn chưa đáp ứng được so với các hoạt động và nhiệm vụ về y tế và dân số ngày càng đa dạng.

Năm 2021, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển cho 830 viên chức, đã gửi Sở Nội vụ để báo cáo UBND Thành phố (254 bác sỹ, 124 y sỹ, 273 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 179 viên chức khác) cho 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã.

Thiện Tâm

Top