Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa

08/09/2016 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Với những nội dung giải pháp phù hợp, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, tạo nên diện mạo cho Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh.

Ảnh minh họa

Kết quả thực hiện 5 nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như: Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP. Hà Nội được Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú từ vùng nội đô tới vùng ven đô, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường; ngăn ngừa hữu hiệu các tệ nạn xã hội.

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng khi gắn bó với cộng đồng, là nơi diễn ra các hoạt động tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương. Quan trọng hơn khi đây là bộ mặt văn hóa của địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là đối với người dân nông thôn.

Thực hiện Quyết định số 2164/QĐ - TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã thực hiện đề án “Khảo sát, đánh giá và đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, đến nay đã thực hiện xong 3 giai đoạn.

Năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiến hành thực hiện giai đoạn 4 với nội dung “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn. Kế hoạch là đến năm 2020 thực hiện áp dụng mô hình tổ chức, hoạt động cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

Kết quả khảo sát cho thấy, Hà Nội hiện có 26/30 quận, huyện, thị xã có đủ thiết chế văn hóa thể thao, các thiết chế này đã và đang hoạt động có hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Có 4 quận, huyện còn thiếu trung tâm văn hóa là huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ và Nam Từ Liêm; riêng quận Nam Từ Liêm còn thiếu cả trung tâm văn hóa và trung tâm Thể dục Thể thao.

Ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, toàn thành phố có 90/584 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 3.515/7.946 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Thực tế, các hoạt động của xã, phường chủ yếu sử dụng hội trường UBND cấp tương đương. Hiện nay 100% số xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã.

Tuy các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố được đánh giá từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân nhưng Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, hệ thống thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, hoạt động còn chưa hiệu quả nên chưa phát huy được tác dụng và công năng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn nặng về bệnh thành tích, hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng các hoạt động văn hóa ở một số quận, huyện, thị xã chủ yếu mang tính chất tuyên truyền mà chưa có hoạt động đa dạng, phong phú để thu hút người dân. Hệ thống nhà văn hóa cấp xã còn thiếu, tại các thôn, tổ dân phố, các nhà văn hóa chưa thống nhất đồng bộ về quy mô diện tích, nhiều nhà văn hóa được xây dựng đã lâu, xuống cấp không còn đáp ứng được yêu cầu hoạt động.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh... đã và đang góp phần xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dưng hình ảnh, con người Thủ đô Hà Nội đẹp và ấn tượng với các tỉnh, thành và bạn bè quốc tế.

Năm 2016, Hà Nội đặt mục tiêu có 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 58% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa; 70% tổ dân phố được công nhận và giữ vững tổ dân phố văn hóa.

Trong đó, xây dựng làng văn hóa là nội dung chính xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội với yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; giúp nhau phát triển kinh tế; tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xoá bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh; hình thành môi trường văn hóa lành mạnh.

Thực hiện nếp sống văn hóa, thành phố hướng đến khắc phục các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, thương mại hóa, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang và lễ hội bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhân dân nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi theo hướng tiến bộ. Nét tiến bộ, văn minh được tiểu hiện rõ rệt qua những thay đổi trong việc các đám cưới đã đơn giản hóa các thụ tục, lễ thức rườm rà, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm túc, thuần phong mỹ tục; các đám tang đã không còn các hủ tục lạc hậu, kéo dài nhiều ngày...

Ngoài việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kêt xây dựng đời sống văn hóa” gắn kết hợp phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tô dân phố văn hoá với việc thực hành tiết kiệm trong tố chức cưới, tang và lễ hội, Hà Nội sẽ tập trung vào củng cố chất lượng và hiệu quả các danh hiệu văn hóa, trong đó đưa nội dung thực hiện về tiêu chuẩn bình xét hàng năm đối với cán bộ, đảng viên và kiểm điểm nghiêm túc những cán bộ, đảng viên vi phạm.

Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô” trong các cơ quan doanh nghiệp, trường học, bệnh viện...Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động theo các tiêu chí: “Tiên tiến - Sáng tạo - Đoàn kết”; triển khai xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” lảm nòng cốt trong phong trào thi đua của khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Gia Huy

Top