Đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật mới vào chăm sóc, điều trị

26/12/2019 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Với chức năng là chuyên khoa đầu ngành của thành phố về truyền nhiễm và lão khoa, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong việc thực hiện tốt công tác chăm sóc, cách ly, điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm cũng như điều trị cho người cao tuổi.

TS.Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Trên đây là đánh giá của TS.Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa tại Hội nghị tổng kết năm 2019 chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm và chuyên khoa khoa đầu ngành lão khoa, đồng thời triển khai phương hướng hoạt động năm 2020 của bệnh viện vừa được tổ chức.

Triển khai tốt các kỹ thuật cao

Theo BSCKII Nguyễn Minh Thái, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15/12/2019 đã khám cho 24.837 lượt bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, điều trị nội trú cho 1.507 bệnh nhân. Những bệnh thường gặp như: Sốt xuất huyết, cúm A, viêm gan virus, sốt phát ban dạng sởi và HIV... Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Viêm gan để khám sàng lọc sức khỏe, phát hiện sớm tình trạng viêm gan virus B và C, đồng thời tư vấn cho người dân các biện pháp phòng bệnh và duy trì sức khỏe.

Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, thời gian qua, chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm đã thực hiện tốt các kỹ thuật thuộc chuyên ngành truyền nhiễm như chọc dịch màng phổi, dịch ổ bụng...; các kỹ thuật vi sinh làm được như cấy máu tự động, xét nghiệm tải lượng HBV, HCC, HIV...; một số kỹ thuật hồi sức cấp cứu trong chuyên ngành được triển khai thành thạo và thường xuyên như: Đặt máy thở, đặt catheter TM trung tâm, lọc máu cấp cứu...

Tại các đơn vị màng lưới như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây... đã thực hiện được các kỹ thuật như chuyên khoa đầu ngành. Tuy nhiên, các trung tâm y tế của các quận, huyện mới chỉ thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm cơ bản.

Để nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho mạng lưới cơ sở, chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm Hà Nội đã tổ chức hàng chục lần đi tuyến, bình bệnh án và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng hội chẩn ca bệnh, giúp màng lưới cơ sở phát triển chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt, chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn... về các nội dung hướng dẫn các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phát hiện và đưa vào điều trị một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm, viêm gan virus B và C, nhiễm độc thực phẩm...

Các cơ sở y tế sau khi tiếp nhận đã làm chủ được kỹ thuật và thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Song song với việc nâng cao chất lượng chuyên môn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đầu ngành truyền nhiễm cũng luôn quan tâm và đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống truyền nhiễm, chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi tại các cơ sở y tế trong hệ thống y tế Hà Nội; tăng cường hỗ trợ quản lý và điều trị các bệnh truyền nhiễm tại các y tế cơ sở trong màng lưới; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong màng lưới truyền nhiễm tại các tuyến...

Phát triển chuyên khoa đầu ngành Lão khoa

Đối với hoạt động chuyên khoa đầu ngành lão khoa, BSCKII Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Lão Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Lão khoa Hà Nội cho biết, năm 2019 chuyên khoa đầu ngành lão khoa đã tiếp đón 100.626 bệnh nhân là người cao tuổi đến khám ngoại trú; 7.136 bệnh nhân là người cao tuổi điều trị nội trú. Các kỹ thuật được triển khai như đặt ông nội khí quản, thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, đặt catheter TMTT, chọc hút dịch - khí màng phổi, chọc dịch não tủy, nội soi tiêu hóa, đo chức năng hô hấp, nội soi phế quản... Các xét nghiệm cận lâm sàng đã đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của công tác khám chữa bệnh lão khoa như: Test sàng lọc sa sút trí tuệ, điện não đồ, siêu âm tim, siêu âm mạch máu, chụp CLVT sọ não, CLVT lồng ngực, ổ bụng, cấy máu làm kháng sinh đô, đo mật độ xương...

Đặc biệt, chuyên khoa đầu ngành lão khoa đã phối hợp y học hiện đại với khoa y học dân tộc phục hồi chức năng, tập luyện sớm cho bệnh nhân sau đột quỵ não, bệnh lý xương khớp, bệnh lý thần kinh,... Đồng thời cũng triển khai kỹ thuật mới như tiêm khớp, tiêm huyết tương giàu tiêu cầu đã mang lại hiệu quả điều trị rất tốt.

Bên cạnh đó, chuyên khoa đầu ngành lão khoa đã tổ chức đi tuyến tại các đơn vị màng lưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người cao tuổi về các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, loãng xương, sa sút trí tuệ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng lâm sàng cho người cao tuổi...

Tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn năm 2020, xứng đáng là chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm và lão khoa của thành phố Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đống Đa tăng cường triển khai, ứng dụng các kỹ thuật mới vào chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện tổ chức các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm, bệnh lý người cao tuổi để kịp thời có những biện pháp xử lý, điều trị tốt cho người bệnh. Song song với việc đẩy mạnh công tác chuyên môn, bệnh viện cũng đẩy mạnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao chất lượng phòng chống bệnh truyền nhiễm cho tuyến dưới, chuyển giao các kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho màng lưới y tế cơ sở… Từ đó, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ do Sở Y tế Hà Nội và thành phố giao.

Thiện Tâm

Top