Để chủ trương, chính sách của Chính phủ đến được với DNNVV

22/09/2017 3:00 PM

(Chinhphu.vn) – Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV, cần cụ thể hóa hơn nữa để các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố đến được với các doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Ông Mạc Quốc Anh cho biết, chưa bao giờ các DNNVV được sự quan tâm của Chính phủ, của Thành phố như thời gian gần đây. Những chủ trương, đường lối được thể hiện qua các Nghị quyết về phát triển DNNVV đã có nhiều đổi mới để hỗ trợ cho Doanh nghiệp và hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là những chủ trương chính sách này chưa thực sự tiếp cận hiệu quả tới sự phát triển bền vững, tạo thuận lợi tối đa cho các DNNVV.  Thực tế “trên nóng mà dưới thì lạnh” là có thật. Theo ông Mạc Quốc Anh, về mặt định hướng từ Chính phủ thì tốt cho doanh nghiệp, chủ trương chương trình của Thành phố đều khá cụ thể rõ ràng nhưng đến cấp chuyên viên, phường xã, quận huyện có nơi chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chưa cùng vào cuộc quyết liệt.

Dù cơ chế thoáng, nhưng những người thực hiện cơ chế đó chưa làm hết tinh thần đã được nêu ra theo Chỉ thị của Thủ tướng, chủ trương của Chính phủ hay của chính quyền Thành phố.

Theo ông Mạc Quốc Anh chia sẻ, đồng hành cùng gần 2.000 DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội, một thực tế khó khăn khác mà các doanh nghiệp gặp phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp rất ít người được đào tạo làm quản trị doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp lớn hay nhỏ, siêu nhỏ cũng đều đòi hỏi năng lực của người chủ doanh nghiệp, điều này rất quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Cùng với đó, khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít, văn hóa doanh nghiệp, ứng xử, ý thức của người lao động còn kém, vấn đề yếu kém trong liên kết phát triển cũng là khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp.

Các DNNVV rất “cô đơn”

Theo ông Mạc Quốc Anh, điều không thể không nói đến, hiện nay chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ lớn sẵn sàng dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp lớn chưa có tính liên kết, nên các DNNVV thực sự “cô đơn”. Không tham gia được vào chuỗi, không có được sản phẩm có tính chuyên sâu.

Các doanh nghiệp sản xuất không phát huy được vì khó khăn là không tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm phụ trợ. Các doanh nghiệp nước ngoài thường kéo theo các DNNVV của chính nước họ tham gia vào cung cấp sản phẩm phụ trợ cho họ, trong khi các DNNVV của VN nói chung, của Hà Nội dường như chưa được tham gia vào những chuỗi này.

Các DNNVV gần như bơ vơ, tự vận động và không nhận được sự chia sẻ những cơ hội phát triển từ các doanh nghiệp FDI cũng như chính các doanh nghiệp trong nước.

Nguồn lực để phát triển cũng vô cùng khó khăn. Điều kiện vô cùng ngặt nghèo để có thể tiếp cận được nguồn vốn, mặc dù tới đây sẽ có được quy định hỗ trợ DNNVV, nhưng khó khăn về tiếp cận nguồn vốn là hiện hữu.

Một khó khăn khác là vấn đề môi trường kinh doanh, chi phí gia tăng nhiều; giá thuê đất, mặt bằng kinh doanh cao.

Giá thuê đất giữa Hà Nội so với các địa phương là khó cạnh tranh. Ngoài ra, việc giải quyết các TTHC cũng bị chậm hơn các địa phương khác, nên chi phí thời gian và một số chi phí khác nữa cũng trở thành khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.  

Tạo điều kiện để DNNVV phát triển

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội, Chỉ thị 20/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như Công an, Thuế, Thanh tra… hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạo được sự phấn khởi lớn cho doanh nghiệp.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020, Hiệp hội DNNVV Hà Nội mong muốn Thành phố thành lập đoàn liên ngành để doanh nghiệp đỡ mất nhiều thời gian vào việc tiếp đón các Đoàn do các ngành chức năng độc lập trong năm kiểm tra doanh nghiệp.

Cùng với đó Hiệp hội cũng mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các Hiệp hội được tham gia các chương trình kế hoạch của Thành phố liên quan đến doanh nghiệp. Cũng như thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp sau các kỳ họp đối thoại doanh nghiệp để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin những văn bản chính sách được bổ sung điều chỉnh, nhằm thực hiện tốt để doanh nghiệp tránh vi phạm.

UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp,  nhằm tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, bảo đảm sự công bằng - minh bạch đưa vào đúng chủ thể, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống giúp cho doanh nghiệp thuận lợi, ổn định trong sản xuất kinh doanh để phát triển, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Liên quan đến quyết định áp thuế chống bán phá giá mới được áp dụng, ông Mạc Quốc Anh cho biết, hiện một số doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia dụng (nồi, xoong chảo bằng nhôm và inox) tại Hà Nội gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động tại các doanh nghiệp này. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ công thương xem xét lại để có thể tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất theo hướng không áp dụng thuế chống bán phá giá nhập khẩu inox cán nguội cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay, 97% là nhóm DNNVV. Trong số này lại có đến 85%-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ là vốn luôn là vấn đề bức xúc.

Khi điệp khúc khó vay vốn của DNNVV đã từ rất lâu chưa được giải quyết rốt ráo thì câu chuyện tín dụng với đối tượng “siêu nhỏ” này còn trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Trong số gần một phần tư DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng mà các số liệu thống kê đang chỉ ra thì số doanh nghiệp siêu nhỏ lọt vào nhóm này gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số doanh nghiệp này hầu như phải vay tín dụng “Đen”, nên khó khăn lại càng khó để tồn tại phát triển, nên những doanh nghiệp này nhanh chóng thành lập và lại nhanh chóng rút khỏi thị trường. Do đó, Hiệp hội rất mong muốn Quỹ Bảo lãnh Tín dụng của Thành phố sớm được thành lập để góp phần hiệu qủa trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp không mở rộng được sản xuất.

Đặc biệt, Hiệp hội DNNVV cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp,  nhằm tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, bảo đảm sự công bằng - minh bạch đưa vào đúng chủ thể, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống giúp cho doanh nghiệp thuận lợi, ổn định trong sản xuất kinh doanh để phát triển, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Minh Anh

Top