Để hương cốm xao xuyến ‘thơm bước chân qua’

16/02/2018 7:54 AM

(Chinhphu.vn) - “Mùa xuân đến đạp xe trên phố tóc xõa vai mềm”… dường như không khí xuân đang lan tỏa trên những cánh đào sắc thắm, lộc biếc chồi non. Để rồi người Hà Nội chợt nhớ đến những hạt cốm xanh non, mềm dẻo, thứ quà ấy thật biết chiều lòng người kể cả những thượng đế khó tính nhất.

Cốm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ảnh; Minh Nhung

Từ bao lâu nay, cốm đã trở thành nét đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Cốm không chỉ là thứ quà ăn vui miệng, mà còn níu giữ tâm hồn những người con Hà Nội dù phiêu bạt chân trời góc bể nào cũng nhớ đến, chưa cần ăn gì vội, chỉ cần nghĩ đến cốm thôi, mọi vị giác, xúc giác đã ngất ngây mùi thơm dịu hiền của lúa non xanh gói trong những tàu lá sen tròn mướt màu ngọc thạch.

Trong tác phẩm bút ký “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng, một người con gốc Hà Thành và rất sành về các món ăn Hà Nội đã khẳng định, cốm quả thật là thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội. Cốm là thứ quà của đồng ruộng quê hương mang đến cho chúng ta, là món quà trang nhã của Thần Nông đem từ những đồng quê bát ngát của tổ tiên ta mang lại.

Từ món ăn chơi giản dị cốm còn là thứ quà trang trọng trong những dịp lễ Tết, biếu tặng người thân, bạn bè. Nhất là trong ngày sêu Tết, tình cảm đôi lứa bén duyên nồng đượm “Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu”.

Ngày xưa cốm còn được nhân dân một số địa phương dùng làm vật phẩm để tiến vua. Nhắc đến đất cốm Hà Nội, mọi người thường chỉ biết tiếng tăm cốm làng Vòng, nhưng với người sành ăn phải nhắc đến cốm làng Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Làng cốm Mễ Trì có tuổi thọ tính đến nay hơn một thế kỷ rồi, trong làng hiện chỉ còn vài chục hộ gia đình gắn bó với nghề. Những ngày giáp Tết, các gia đình làm cốm dường như lại tất bật hơn bên những mẻ cốm thơm lừng, nhanh tay để kịp làm cho khách hàng gần xa.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Minh Thúy, một trong những số ít hộ dân làng Mễ Trì gắn bó, theo đuổi nghề làm cốm. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc luôn chân luôn tay sàng, sẩy lúa nếp, chị nhiệt tình chia sẻ: Để cho ra đời một mẻ cốm non thơm lừng đòi hỏi rất nhiều sự công phu, cầu kỳ của người thợ, hạt cốm chuẩn ngon thì khâu chọn lúa là rất quan trọng, quyết định sản phẩm như thế nào. Người làm cốm cần tìm được ruộng lúa tốt, hạt lúa đều, tốt nhất là loại lúa non búng ra sữa thì hạt cốm mỏng dẻo. Lúa thóc sau khi rửa sạch cẩn thận, vớt ra để ráo nước sau đó cho vào rang, khoảng hơn một giờ mới rang được mẻ cốm. Cốm rang xong cho vào máy tróc vỏ trấu, rồi giã nhiều lần nhưng cũng cần phải cẩn thận, nhẹ nhàng, không được giã quá mạnh tay, sẽ làm cốm bị nát, mất đi vẻ đẹp tròn trịa của hạt cốm.

Mặc dù lúc này không phải chính vụ nhưng những người dân làng Mễ Trì đã chủ động gom lúa, đem đi sơ chế, rồi bảo quản kỹ càng với mong muốn mọi người được thưởng thức cốm quanh năm.

Khi được hỏi nét riêng biệt nào tạo nên thương hiệu cốm Mễ Trì, chị Thúy nói, với gia đình chị cùng nhiều người dân nơi đây, thì sản phẩm cốm của làng vẫn để mộc không tạo phẩm màu. Vì theo chị, cốm mộc không chỉ ngon, an toàn cho sức khỏe mà đó còn là cái tâm của người thợ với nghề, với khách hàng. Dù nghề làm cốm vất vả, nhọc nhằn mà thu nhập cũng chỉ đủ ăn nhưng không thể ngăn nổi tình yêu của chị cùng gia đình mình với thứ quà đặc sản thiên nhiên trao tặng. Chị sẽ tiếp tục duy trì, gìn giữ và phát triển nghề của ông cha truyền lại và hy vọng nghề làm cốm tồn tại đến mãi ngày sau.

Dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi, xoay vần của thời gian, nhưng các công đoạn làm cốm xưa vẫn được lưu truyền và giữ nguyên bản sắc. Theo từng gánh hàng rong của các mẹ, các chị, cốm đến với từng con phố nhỏ, nằm gọn trong tay người yêu cốm như một phần tinh túy của ẩm thực Việt Nam.

Có rất nhiều cách thưởng thức cốm tươi, có thể ăn ngay hoặc chế biến cốm thành nhiều món khác nhau như bánh cốm, cốm xào, chè cốm, chả cốm… Mỗi món ăn  từ cốm đều có sức hút theo cách riêng nhưng khi ăn đệm với chuối tiêu chín trứng quốc thơm phức sẽ khiến người ta bị hấp dẫn đến nao lòng.

Cốm tươi chỉ thích hợp với những người sành ăn và “dư thừa” thời gian một chút, người Hà Nội dù có thèm ăn đến mấy khi bắt gặp gánh hàng cốm đâu đó trên phố cũng chỉ ghé mua đôi gói nhỏ, họ nhâm nhi từng chút một, không vội vàng xô bồ như những thứ quà khác được.

Hòa nhịp với sắc xuân tươi vui, bất chợt thoang thoảng đâu đây vang lên câu hát du dương, mơn man từng cung bậc cảm xúc trong lòng người:  “Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”...

Minh Nhung

Top