Điều chỉnh luồng tuyến vận tải: Cần khoa học và hài hòa

14/11/2016 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Việc sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách (VTHK) liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội là cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông. Chính vì vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục sắp xếp lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo hướng khoa học, hài hòa.

Tiếp tục sắp xếp lại luồng tuyến VTHK liên tỉnh theo hướng hài hòa. Ảnh minh họa

Thời gian qua, dư luận nổi lên rất nhiều ý kiến trái chiều về tình trạng xe khách đi xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông, đặt ra vấn đề bức thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch luồng tuyến VTHK liên tỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, không thể nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh hay cảm tính, chủ quan, mà phải nhìn từ nhiều chiều như yếu tố hạ tầng còn kém, đường sá còn eo hẹp, trong khi các phương tiện cá nhân lại đang tăng chóng mặt.

Cần điều chỉnh cho phù hợp

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), hiện trên địa bàn Hà Nội có 5 bến xe, với 668 tuyến, tần suất 140.411 chuyến/tháng, kết nối Hà Nội với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, lớn nhất hiện nay là bến xe Mỹ Đình với 47.760 chuyến/tháng; bến xe Giáp Bát với 35.238 chuyến/tháng, bến xe Gia Lâm với 27.676 chuyến/tháng… Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giữ ổn định tần suất, chỉ tăng cường xe vào các dịp lễ, Tết để giải tỏa hành khách.

Trăn trở về yếu tố hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng, khi Hà Nội xây dựng tuyến Vành đai 3, ít ai ngờ rằng tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội lại nhanh đến vậy. Ông Quang nhận định: “Cần thiết phải nhanh chóng xây dựng tuyến Vành đai 3,5 để đẩy áp lực giao thông ra khỏi nội thành. Nhưng có thể phải cần đến hàng chục năm mới thực hiện được một tuyến đường vành đai như thế, trong khi tốc độ đô thị hóa lại đang phát triển mạnh. Cộng với mạng lưới VTHK công cộng kém phát triển như hiện nay, việc sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến VTHK liên tỉnh là vô cùng khó khăn”.

Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội, do đô thị hóa và lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, một số tuyến đường trước đây có lưu lượng phương tiện tham gia thấp nay đã trở thành tuyến nội đô có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên ùn tắc, nhất là đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Pháp Vân. Do đó, Sở đã báo cáo Bộ GTVT và UBND Thành phố thống nhất chủ trương, cho phép điều chỉnh, bố trí lại một số tuyến VTHK liên tỉnh, không đi xuyên tâm, không đi vào các tuyến có lưu lượng giao thông lớn.

Trước đó, để giảm ùn tắc giao thông trên trục Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, tháng 5/2016, Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án điều chuyển các tuyến đi/đến từ bến Mỹ Đình đi 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Đắk Lắk về bến xe Nước Ngầm với tổng số 88 lượt xe/ngày và Thanh Hoá (68 lượt xe/ngày). Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, việc điều chuyển phải thực hiện trong tháng 10/2016.

Tuy nhiên, sau khi phương án này được công bố để lấy ý kiến của các địa phương liên quan, Sở GTVT các tỉnh đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án điều chuyển chưa hợp lý, cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuyển đổi.

Đảo luồng tuyến xe khách

Trước tình hình trên, Sở GTVT đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu, xem xét phương án điều chuyển và nhận thấy, đúng là còn một số bất cập, chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh cho đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đó, các đơn vị gồm: Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ, Công an Thành phố và Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã rà soát tổng thể luồng tuyến vận tải đi và đến Hà Nội. Đồng thời, xây dựng phương án tổng thể, sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, đưa ra quy hoạch chi tiết đối với 39.817 chuyến/tháng, trong đó điều chuyển từ Mỹ Đình về Nước Ngầm là 15.272 chuyến/tháng, Mỹ Đình về Yên Nghĩa là 5.713 chuyến/tháng, Nước Ngầm về Mỹ Đình là 1.214 chuyến/tháng, Yên Nghĩa về Mỹ Đình 2.212 chuyến/tháng; Yên Nghĩa về Gia Lâm là 1.532 chuyến/tháng; Gia Lâm về Nước Ngầm là 2.280 chuyến/tháng;…

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Quang, việc sắp xếp, điều chỉnh ngay một lúc 39.817 chuyến/tháng sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại người dân, gây xáo trộn trong kinh doanh vận tải. Vì thế, Sở GTVT sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm (dự kiến thực hiện quý IV/2016); Giai đoạn 2 điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ ban ngày (dự kiến thực hiện trong quý I/2017) và giai đoạn 3 điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chưa phù hợp theo định hướng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt (thực hiện từ quý II - IV/2017).

Đồng thuận với cách làm của Sở GTVT Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, Sở GTVT các tỉnh đối lưu đã đề xuất giữ nguyên hiện trạng luồng tuyến đang hoạt động; chỉ điều chỉnh các tuyến mở mới. Trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh, cần đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp, thuận tiện cho hành khách, có sự sắp xếp khoa học để tránh tình trạng chồng chéo, tranh giành thị phần về sau.

Diệu Anh

Top