Doanh nghiệp bản lĩnh, ‘vượt khó’ trước đại dịch

11/10/2021 5:14 PM

(Chinhphu.vn) - Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP. Hà Nội, sự nỗ lực vượt khó, bản lĩnh của chính cộng đồng doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, phục hồi sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.

Sự nỗ lực vượt khó, bản lĩnh của chính cộng đồng doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, phục hồi sự phát triển kinh tế. Ảnh: Diệu Anh

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Song, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố, sự nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã bảo đảm sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động và thể hiện văn hóa doanh nghiệp khi chung tay sẻ chia trong công tác phòng, chống đại dịch. Qua đó, góp phần nâng chỉ số PCI của Thủ đô, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nói riêng, đất nước nói chung...

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch” tổ chức chiều 11/10, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hanoisme, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng đã tạo động lực phát triển kinh tế.

Song, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP. Hà Nội, sự nỗ lực vượt khó, bản lĩnh của chính cộng đồng danh nghiệp đã duy trì hoạt động, phục hồi sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung...

Không chỉ có thế, vừa duy trì sản xuất an toàn, hơn bao giờ hết, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân... thể hiện tinh thần vì cộng đồng chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch. Việc góp sức cho Quỹ vaccine phòng COVID-19, tặng trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... cho tuyến đầu chống dịch, cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với mong muốn vì một xã hội an toàn chính là cách bảo vệ doanh nghiệp của mình, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bộc lộ nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cần khẳng định trong giai đoạn ảnh hưởng của COVID-19, doanh nghiệp đang nỗ lực, chứng minh bản lĩnh từng bước chuyển sản xuất, kinh doanh sang trạng thái an toàn để đất nước phục hồi kinh tế.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần quyết liệt, minh bạch

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hanoisme cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết làm cơ sở pháp lý áp dụng ngay các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm an toàn chống dịch, ông Mạc Quốc Anh đề nghị Chính phủ và UBND TP. Hà Nội cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.

Song song với đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệ, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.

Diệu Anh

Top