Doanh nghiệp Hà Nội vượt khó thực hiện ‘mục tiêu kép”

08/03/2021 8:13 PM

(Chinhphu.vn) – Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, các doanh nghiệp Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Thường trực thành ủy Hà Nội, xác định năm 2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô Hà Nội là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”; ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để dịch xảy ra và bùng phát trở lại; đồng thời tập trung phục hồi mạnh mẽ về kinh tế.

Các công ty du lịch đang nỗ lực vượt khó trong thời điểm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: Minh Anh

Các doanh nghiệp thích ứng vời “điều kiện bình thường mới”

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Thành phố đã có chương trình hành động, xác định rõ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021, chỉ đạo các doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nghiêm túc thực hiện các yêu cầu an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp, nhìn chung, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ tới thành phố Hà Nội đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Trước rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất, vừa phải đảm tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.

Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế INTERSERCO (một trong những doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực logicstic của thành phố Hà Nội) cho biết, công ty hiện có hơn 500 cán bộ nhân viên; hằng năm đơn vị quản lý khai thác cảng cạn ICD Mỹ Đình, thu thuế xuất nhập khẩu ở cảng đều xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của UBND TP. Hà Nội, Công ty đã nghiêm túc thực hiện các qui định về phòng, chống dịch như kiểm soát nhiệt độ của người ra vào Cảng, văn phòng làm việc, thực hiện đeo khẩu trang tại nơi làm việc, sát khuẩn thường xuyên…Để phòng dịch, công ty quyết định cho các nhân viên của công ty ở Hải Dương nghỉ ở quê, hưởng nguyên chế độ, khi nào hết dịch mới trở lại làm việc.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Công ty đã không ngừng nỗ lực, tìm kiếm các hướng đi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo sự tăng trưởng về doanh thu, ổn định thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, tập trung vào giá trị cốt lõi là logistics, tự động hóa cao độ với công nghệ tiên tiến để phát triển mạnh mẽ hơn; kết nối hệ thống với các vành đai kinh tế; giảm thiểu chi phí logistics, gắn với thương mại điện tử để cung cấp hàng hóa.

Đặc biệt, Chủ tịch HĐQT Interserco cho biết, sau khi kiến nghị với Thành phố về khó khăn của công ty trong việc khai thác hoạt động logistics tại Cảng cạn ICD Mỹ Đình và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án Cảng cạn ICD Mỹ Đình tại xã Đức Thượng - huyện Hoài Đức, những khó khăn đã được kịp thời tháo gỡ và có chuyển biến.

Đại diện công ty TNHH AEONMALL Việt Nam cho biết, AEON MALL hợp tác chặt chẽ với chính quyền các quận trên địa bàn Hà Nội, nơi có Trung tâm thương mại của AEON MALL để thực hiện và tuân thủ các chỉ thị của chính quyền Thành phố, đồng thời cố gắng hợp tác với chính quyền, cùng phối hợp nhằm mục tiêu đảm bảo sự an toàn của khách hàng và nhân viên.

Vừa qua, hệ thống AEON MALL triệt để phòng dịch hơn nữa bằng cách tăng tần suất khử trùng, tăng số lần vệ sinh bằng cồn tại các vị trí thường xuyên tiếp xúc như tay vịn thang cuốn, xe đẩy hàng siêu thị, nút bấm thang máy… và thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, giãn cách bên trong Trung tâm thương mại AEON MALL.

Đồng thời kiểm tra nhiều lần trong ngày việc tuân thủ phòng dịch của nhân viên; nhắc nhở và kêu gọi khách hàng hợp tác thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, khử khuẩn bằng cồn được đặt tại nhiều vị trí và giãn cách phù hợp, dựng tấm ngăn tránh tiếp xúc trong Trung tâm thương mại. Ngoài ra, hệ thống cân bằng không khí tại các Trung tâm thương mại AEON MALL cũng giúp thông thoáng không khí, nâng cao chất lượng không khí lưu thông trong toà nhà. Đồng thời AEON MALL vẫn tiếp tục tăng cường siết chặt các biện pháp chống dịch và đẩy mạnh hoạt động khảo sát, xúc tiến đầu tư theo chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tiêu biểu là thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trực tuyển với UBND tỉnh Thừa thiên Huế ngày 25/2.

Ông Phạm Văn Bảy – Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hằng năm, mùa du lịch Hè & Tết được xem là 02 dịp cao điểm nhất trong năm. Vào mỗi dịp Tết, du khách sẽ tập trung đi đông nhất vào thời điểm từ Mùng 2 đến ngày 15 Tháng Giêng. Nhưng ngay trước dịp Tết năm nay, do dịch bệnh COVID-19 lại bùng phát trên diện rộng nên đã ảnh hưởng đến tình hình du lịch của các hãng lữ hành.

Theo khái niệm về lối sống “bình thường mới”, các đơn vị du lịch lữ hành rất kỹ trong khâu xây dựng sản phẩm giai đoạn hiện nay, các tiêu chuẩn đều phải dựa trên tiêu chí an toàn chung của Tổng cục Du lịch và Bộ Y Tế từ Điểm đến du lịch an toàn; Doanh nghiệp du lịch an toàn; Dịch vụ lưu trú an toàn; Dịch vụ ăn uống, hàng hóa an toàn, Dịch vụ vận chuyển khách du lịch an toàn…

Thực hiện chỉ đạo của ngành du lịch, ngành y tế và thành phố Hà Nội, với mục tiêu vừa duy trì hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, Vietravel đã tiến hành khai thác những loại hình tour mang tính riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo đó, xu hướng du lịch cá nhân ngày càng nhiều thì du lịch bằng xe riêng càng cần thiết. Du khách sẽ có thể tự lái xe riêng hoặc Vietravel cung ứng xe riêng theo từng nhóm khách nhằm đảm bảm sự an toàn cao nhất. Du khách sẽ có những trải nghiệm vừa mang tính cá nhân nhưng vẫn vừa có tính tập thể trong hành trình vừa quen vừa lạ.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Nghệ Thiên Lộc, năm 2020 vừa qua thực sự là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là ngành thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm của doanh nghiệp là quà tặng cho khách du lịch nước ngoài, nên khi xảy ra đại dịch COVID-19 thì doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất vì không còn vốn, hàng tồn đọng lên tới hàng tỷ đồng.

“Chúng tôi đã cố gắng chuyển qua tập trung cho nhóm khách hàng nội địa nhưng về cơ bản chưa có nhiều thay đổi. Kho bãi mặt bằng phải trả lại. Đã khó lại càng khó hơn và khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để duy trì sản xuất, chuyển đổi. Mặc dù biết có các gói hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng hiện nay doanh nghiệp tôi chưa tiếp cận được sự hỗ trợ này. Do đó, mong muốn của tôi là nên có những quy định sát thực hơn liên quan đến điều kiện thụ hưởng tránh việc nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự sẽ không có cơ hội nhận được sự hỗ trợ vay vốn của các quỹ tín dụng”, Bà Hương chia sẻ.

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh, Chủ tịch OIC New cho biết, công ty của ông là một công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu các sản phẩm Nano từ các hợp chất thiên nhiên, sản xuất các chế phẩm nano thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 12 năm nay. Ông Minh cho biết, ông rất thấu hiểu thông điệp “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn xuất hiện ca nhiễm với chủng virus SARS-CoV-2 mới, lây lan mạnh. Do đó, không những phải là những người tiên phong nghiêm túc trong việc thực hiện các biện pháp an toàn, thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế, mà công ty phải đồng thời thúc đẩy công việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, đưa ra đưa đến tay người dùng các sản phẩm nano đặc biệt cho phòng, chống dịch.

Tuân thủ các văn bản chỉ đạo của Thành phố, Công ty đã áp dụng các hình thức làm việc online, trực tuyến, các nền tảng làm việc mới, phối kết hợp với nhiều bên đối tác hơn. Cố gắng xúc tiến những đơn hàng bán buôn và bán độc quyền cũng như tìm được các đối tác nước ngoài thông qua các kênh thương mại điện tử như Alibaba hay Amazon.

Tuy nhiên, người bệnh cũng hạn chế đến bệnh viện nhiều nên kênh phân phối sản phẩm tới các nhà thuốc và bệnh viện giảm; khó khăn trong công tác nhập hàng, vận chuyển hàng hoá đặc biệt đến những tỉnh có dịch. Với công ty OIC New thì thời kỳ dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đó là việc sụt giảm doanh thu những sản phẩm không trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dich, thậm chí có những sản phẩm có tác dụng rất tốt cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ điều trị, nâng cao đề kháng cho người dân và bệnh nhân COVID-19 nhưng để tiếp cận đến các bệnh nhân để được thử nghiệm là rất khó.

Để vừa nghiên cứu, vừa sản xuất, vừa đưa sản phẩm đến được người dùng với nhiều dòng sản phẩm, OIC New cần rất nhiều vốn và đã đầu tư rất nhiều, nhưng hiện nay cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là vay tín chấp.

OIC New đề xuất kiến nghị các doanh nghiệp khoa học công nghệ được tiếp cận vốn vay từ Quỹ Khoa học Công nghệ, vay bằng tín chấp, bằng các tài sản trí tuệ như bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích để đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm Khoa học Công nghệ.

Theo Ông Mạc Quốc Anh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, trước tác động của dịch COVID-19 thì doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch vẫn là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, lĩnh vực này chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dịp Tết vừa qua, các doanh nghiệp đã bán các tour du lịch trong nước để khách đi nghỉ với số lượng lớn, khi có ca nhiễm mới thì các doanh nghiệp đã bị hủy tour, ảnh hưởng việc làm và thu nhập người lao động, nhiều chủ khách sạn bên bờ vực phá sản, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả các chi phí.

Trừ một số ngành ổn định là viễn thông, phần mềm, IT, thiết bị y tế và trang phục phòng chống dịch, dược phẩm…Nhóm doanh nghiệp vận tải cũng ảnh hưởng theo, bên cạnh đó các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, ngành may mặc thời trang ảnh hưởng lớn tiếp theo sau ngành du lịch dịch vụ.

Theo ông Mạc Quốc, vừa qua khối các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động tìm kiếm sản phẩm mới phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch, mở rộng thị tlrường bán hàng bằng hình thức như thương mại điện tử, giao thương trực tuyến, nên công nghệ số phát triển, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số để tồn tại và phát triển nhưng khó khăn về vốn là thật sự lớn.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục kiến nghị bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được giãn hoãn tiền thuế và thuê đất trong năm 2021; đồng thời đề xuất Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục có các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhất là vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sản phẩm và đầu tư chiều sâu.

Minh Anh

Top