Doanh nghiệp ‘vùng xanh’ nỗ lực sản xuất, kinh doanh

13/09/2021 11:58 AM

(Chinhphu.vn) - Hoạt động khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp “vùng xanh” trên địa bàn TP. Hà Nội những ngày qua cho thấy, những đơn vị này luôn xác định mục tiêu vừa chủ động chống dịch COVID-19 vừa khôi phục sản xuất trong mọi phương án, không làm chậm quá trình sản xuất.

* Hà Nội đã có 615 điểm 'Vùng xanh doanh nghiệp'

* Nhân lên nhiều “vùng xanh trong doanh nghiệp”

Doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch, vừa nỗ lực duy trì sản xuất. Ảnh: Bích Phương

Những ngày này, tại nhiều huyện, thị xã thuộc “vùng xanh” theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, không khí tất bật sản xuất, kinh doanh đã trở lại. Là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo máy và dây chuyền tự động hóa, những ngày qua, Công ty PMTT Group (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng những biện pháp vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh.

Giám đốc Công ty PMTT Đinh Hồng Lương cho biết, công ty nhận thức được tầm ảnh hưởng của COVID-19 tới sản xuất nên luôn tăng cường, rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cả cũng như kế hoạch giao hàng. Doanh nghiệp này cũng tăng cường quản lý quản trị về kinh doanh, cắt giảm chi phí trong sản xuất…

Để bảo đảm sản xuất nhưng vẫn phòng chống dịch COVID-19, đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định 5K của Bộ Y tế. “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vừa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, vừa nỗ lực duy trì doanh thu”, ông Đinh Hồng Lương thông tin.

Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) Ngô Thị Lý thông tin, sau một thời gian phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất do có ca F0 tại công ty bên cạnh, từ ngày 7/9, hoạt động của đơn vị đã trở lại. “Cùng với việc tuân thủ triệt để các phương án phòng, chống dịch đã xây dựng từ trước, chúng tôi cũng rà soát các yêu cầu, xây dựng bổ sung phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất) và “1 cung đường, 2 điểm đến” (1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung)”, bà Ngô Thị Lý cho biết thêm.

Tương tự, Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm Công nghiệp Thanh Oai) là đơn vị sản xuất thiết bị y tế với hơn 1.500 công nhân, nên công tác phòng dịch COVID-19 đã được kích hoạt ở mức cao nhất.

Giám đốc tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Nguyễn Việt Hùng cho biết, để duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, công ty đã được UBND huyện Thanh Oai hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên.

“Từ ngày 6/9, chúng tôi đã quay trở lại hoạt động 100% công suất. Để bảo đảm sản xuất an toàn, tất cả công nhân của công ty đều được làm xét nghiệm PCR 3 ngày/lần và tiếp tục thực hiện “1 điểm đến, 2 cung đường”, ông Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Đánh giá về sự chủ động khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp “vùng xanh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có sự chủ động, xây dựng phương án với quyết tâm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng công nghiệp ở mức cao nhất.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND TP. Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Đặc biệt, TP. Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ngành thuế cũng đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ…

“Tính đến 31/8, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng Hà Nội trong việc gấp rút triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đàm Tiến Thắng dẫn chứng.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn…

Bích Phương

Top