Động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp Thủ đô

02/11/2020 4:41 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển công nghiệp hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp TP. Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghiệp hỗ trợ như điện-điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Diệu Anh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này còn non trẻ, việc tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ sẽ là cầu nối để trao đổi thông tin, tham quan, tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm 3 ngành: Linh kiện điện – điện tử; linh kiện lắp ráp ôtô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo), công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao; giúp ngành công nghiệp sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế.

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thành công khi kết hợp hình thức đặt lịch hẹn giao thương trước trên website với trưng bày sản phẩm, linh kiện, phụ kiện tại gian hàng để đối tác “sờ tận tay” sản phẩm. Hình thức này giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, sản phẩm mẫu tham gia để từ đó có các cuộc trao đổi thực chất, có tiềm năng.

Mới đây, tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020, Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nam Indema (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) đã đem đến tất cả những dòng sản phẩm có thế mạnh của doanh nghiệp như công nghệ tấm, sơn tĩnh điện, khung giá đỡ… để quảng bá, giới thiệu tới khách hàng.

Anh Nguyễn Duy Đức, Trưởng phòng Kinh doanh của Indema chia sẻ, công ty được thành lập từ năm 2014. Tới nay có 180 lao động, xưởng sản xuất rộng 34.000 m2 và đã trở thành đối tác cho nhiều doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ doanh thu 6,1 tỷ đồng trong năm đầu tiên, nay đã đạt 83 tỷ đồng/năm. Sự phát triển của công ty cũng cho thấy những tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ góp phần quyết định hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

“Phát triển công nghiệp hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp TP. Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghiệp hỗ trợ như điện-điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao”, ông Thắng nhấn mạnh.

Để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội Bùi Minh Hải cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tài chính, công nghệ để sẵn sàng đón đầu các làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn, từ đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ là ngành cung ứng các sản phẩm, linh kiện để lắp ráp vào một sản phẩm hoàn chỉnh nên cần độ chính xác, chất lượng cao.

Đại diện Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nam Indema cũng cho rằng, doanh nghiệp phải tự vận hành, tìm hiểu, đổi mới quy trình để đáp ứng những yêu cầu rất tỉ mỉ, cụ thể về chất lượng của khách hàng. Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất, đơn giản nhất để đối tác tin tưởng, dần dần tiến tới các hợp đồng, đơn hàng lớn, các sản phẩm phức tạp hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong các cơ quan quản lý đánh giá đúng tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, được tiếp cận các thông tin về đầu tư, chính sách, chương trình hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, thành phố cũng như các hiệp hội, nhất là các chương trình xúc tiến giao thương, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…

Diệu Anh

Top