Gạo Tam Hưng: Từ sản vật đến sản phẩm

13/02/2019 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - Xã Tam Hưng nằm ở phía Bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội. Là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính, tỷ lệ nông nghiệp chiếm 70% trong cơ cấu kinh tế. Với chiến lược chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn tập trung đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là đối với sản phẩm gạo tại địa phương này.

Người nông dân chăm chút từng hạt gạo tại Tam Hưng, Thanh Oai - Ảnh: Đỗ Hương

Đi lên từ thuần nông

Thanh Oai là huyện đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trên 12%/năm, cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp. Một trong những xã đang có phát triển nông nghiệp mạnh tại Thanh Oai đó là xã Tam Hưng, hiện nay xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.010 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 730 ha.

Là xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện, bám sát vào sự lãnh đạo chỉ đạo của huyện và của Đảng ủy, UBND xã, HTXNN Tam Hưng đã duy trì hoạt động với trên 2.500 thành viên, sau khi thực hiện việc tổ chức lại HTX theo luật năm 2012. Thực hiện Đề án số 04 của huyện Thanh Oai về nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. HTXNN Tam Hưng đã xây dựng đề án đổi mới hoạt động của bộ máy quản lý HTX, xây dựng các đề án dịch vụ như: dịch vụ thủy lợi nội đồng, bảo vệ sản xuất, dịch vụ bảo vệ thực vật, giống vật tư, dịch vụ làm đất, dịch vụ thu hoạch đặc biệt đưa dịch vụ mới bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX. Bên cạnh đó HTX NN Tam Hưng chủ động liên hệ với các ngành của Thành phố, của huyện quy hoạch 584 ha diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt trong vụ mùa đưa giống Nếp cái hoa vàng vào sản xuất, năm 2017 đã nhân rộng diện tích là 250 ha.

Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là sau khi dồn ô đổi thửa từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn tập trung đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao hơn trước, đạt từ 25-30%, đời sống nhân dân từng bước ổn định, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất như máy làm đất, máy gặt...để giảm chi phí, tăng thu nhập.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) Đỗ Văn Kiên cho biết: Từ năm 2012, địa phương được chọn tham gia Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của TP Hà Nội. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, vùng trồng lúa chất lượng cao của xã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, mô hình này vẫn được duy trì, phát triển bền vững. Năm 2018, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội, hợp tác xã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao với giống Bắc thơm số 7, diện tích 400ha. Ngoài ra, xã Tam Hưng còn mạnh dạn đưa mô hình gieo cấy lúa nếp cái hoa vàng với diện tích gần 250ha trên ruộng đồng ở 6/7 thôn trong xã.

Thời điểm này, nông dân xã Tam Hưng đang tập trung thu hoạch lúa xuân. Theo tính toán, năng suất lúa Bắc thơm số 7 của xã bình quân đạt từ 58 đến 60 tạ/ha, còn nếp cái hoa vàng đạt từ 50 đến 52 tạ/ha.

Phát triển gạo đặc sản

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của TP Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp tích cực với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật gieo cấy lúa theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI); phòng trừ sâu bệnh quản lý dịch hại tổng hợp IPM; trồng lúa theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Không chỉ có vậy, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng rất quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hợp tác xã đã có nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến như hệ thống xay xát lúa gạo liên hoàn, lọc tạp chất, cân đóng bao bì tự động, máy hút chân không...

Hiện nay, riêng sản phẩm Gạo thơm Bối Khê của xã Tam Hưng đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Từ năm 2016 xã Tam Hưng kết hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại thành phố Hà Nội, các ngành của huyện xây dựng mô hình sản xuất lúa theo quy trình Vietgap đối với sản phẩm Gạo thơm Bối Khê trên diện tích 25 ha, năng suất đạt từ 11-12 tấn/ha/năm. HTX NN Tam Hưng được cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện sản xuất lúa an toàn thực phẩm. Năm 2017 sản phẩm Gạo thơm Bối Khê được Viện sở hữu trí tuệ Quốc tế bình chọn đạt Top 100 sản phẩm thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng và được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Gạo thơm Bối Khê là nhãn hiệu được xây dựng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ của Bộ NN&PTNT, hội chợ làng nghề và tham gia vào hệ thống trung tâm phân phối nông sản Việt Nam, các của hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Hiện nay HTX NN Tam Hưng đã mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm Gạo thơm Bối Khê theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Qua việc chuyển đổi sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho năng suất cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa theo phương pháp truyền thống. Bình quân giá trị sản xuất đạt từ 150 đến 180 triệu đồng/ha/năm. Diện tích lúa hàng hóa được nhân rộng đã giúp tăng thu nhập bình quân đầu người tăng lên đến nay đạt 39 triệu đồng/người/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, đưa diện mạo nông nghiệp, nông thôn nông dân Tam Hưng ngày một khởi sắc.

Xã Tam Hưng cũng là một trong những mô hình đầu tiên của TP Hà Nội phát triển chuỗi lúa gạo. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, chuỗi lúa gạo của xã Tam Hưng đang phát triển đúng định hướng của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Việc phát triển chuỗi đã góp phần kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống đến thu hoạch, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua mô hình này, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Đỗ Hương

Top