Ghé thăm căn phòng Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập

29/08/2018 2:07 PM

(Chinhphu.vn) – Ngôi nhà số nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) là nơi Bác Hồ đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo thời gian, nơi đây đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách đến thăm quan.

Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng làm việc từ ngày 25/8 đến 2/9/1945

73 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngày 25/8/1945, Bác Hồ đã được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh… đưa đến bằng lối cửa hậu là số nhà 35 phố Hàng Cân. Các đồng chí giới thiệu với chủ nhà là “Ông cụ dưới quê lên chơi”. Bác được chủ nhà bố trí ở một căn phòng trên tầng 2 và bác đã lưu trú lại ở đây trong 3 ngày, từ ngày 28 đến 30/8/1945. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước.

Năm 2008, Hà Nội đã triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi nguyên trạng di tích. Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất, với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã từng sử dụng.

Kiến trúc của ngôi nhà nối liền nhau hình chữ nhật với 2 mặt trước, sau thông thoáng, cửa chính nằm trên 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm trên 35 phố Hàng Cân. Nối giữa là khoảng sân hình vuông, có chiếc giếng và cây xanh trồng xung quanh. Sau 72 năm, ngôi nhà và những kỷ vật mà Bác vẫn thường dùng trong những ngày Bác sống và làm việc tại nơi đây được gìn giữ, phát huy. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia, một địa chỉ đỏ gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Một số hình ảnh về ngôi nhà 48 Hàng Ngang:

Bộ bàn ghế Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách.
Chiếc bàn con nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi suy nghĩ và đánh máy khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Chiếc bàn lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn lịch sự khai sinh Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chiếc bàn này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng thông qua 3 nội dung quan trọng: Tuyên ngôn độc lập, thành phần Chính phủ, tổ chức lễ quốc khách.

Phòng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người làm việc tại đây.

 

Chiếc bàn ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chiếc giường nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngả lưng.

Chủ nhân ngôi nhà này đã dành trọn tầng 2 cho các đồng chí trong Trung ương Đảng ở, làm việc và hội họp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở ngôi nhà này từ ngày 25/8 đến ngày 2/9/1945.

Ngôi nhà nằm trong trung tâm mua bán sầm uất và thông ra số nhà 35 Hàng Cân.

Năm 1970 căn phòng này cùng ngôi nhà 48 Hàng Nganh đã được dành làm nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhật Bắc (thực hiện)

Top