Giá trị vô giá của “Sắc mệnh chi bảo”

26/02/2016 5:00 PM

(Chinhphu.vn) – Các nhà khoa học khẳng định, giá trị của hiện vật khảo cổ ấn “Sắc mệnh chi bảo” là vô giá, cần trân trọng và có những nghiên cứu khoa học cụ thể trong việc phát huy giá trị di sản.

Hình ảnh hiện vật ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy tại Vườn Hồng sau khi đã xử lý bằng phương pháp khảo cổ học.

Trong đợt khai quật năm 2012 – 2014, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G) trong tầng văn hoá rất nguyên vẹn (ở độ sâu 6,38m dưới mặt nước biển), không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13 – 14) cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác.

Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ngay sau đó được các nhà khoa học rất quan tâm bởi tính chất độc đáo của nó. Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cùng với hơn 150 hiện vật tiêu biểu khác tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng và khu vực điện Kính Thiên – Đoan Môn (trong vùng lõi và vùng đệm của di sản Hoàng thành Thăng Long, là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long xưa).

Tại cuộc toạ đàm khoa học: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 – 2014 tổ chức ngày 26/2 tại Hoàng thành Thăng Long, GS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học đã trình bày kết quả khảo cổ và đưa ra nhận định ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy thuộc lớp văn hoá thời Trần.

PGS. TS Sử học Hoàng Văn Khoán cũng đưa ra kết luận ban đầu, xét về thư pháp, chữ “bảo” trên ấn giống hệt chữ “bảo” trên các loại tiền thời Trần, Hồ. Xét về mặt thư tịch, Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi rõ ràng, con dấu “Sắc mệnh chi bảo” được khắc trên gỗ là của vua Trần Thái Tông vào năm Nguyên Phong thứ 7.

GS. Sử học Lê Văn Lan nêu ra 4 luận điểm về Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”: Chiếc ấn này được tạo tác trong thời gian từ ngày 19 tháng Giêng năm 1258 đến ngày 29 tháng Giêng năm 1258. Đó là lần đầu tiên có một hiện vật khảo cổ học thuộc thời Trần được xác định thời gian tạo tác cụ thể từng ngày. Chiếc ấn được tạo tác tại huyện Ngự thiên, phủ Long Hưng nay thuộc tỉnh Thái Bình. Chủ sở hữu của Ấn gỗ là vua Trần Thái Tông. Đã có tác dụng được phát huy ngay khi được tạo tác và để lại bài học cho đến thời vua Trần Anh Tông và vua Trần Minh Tông, tức là 58 năm sau khi nó ra đời.

Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ấn “Sắc mệnh chi bảo” có quy trình khảo cổ rất chuẩn xác trong địa tầng thời Trần không có xáo trộn, vì vậy có thể xác định “Sắc mệnh chi bảo” là hiện vật khảo cổ thuộc triều đại nhà Trần, còn năm cụ thể cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn và cần sự nghiên cứu liên ngành để có thể có những kết luận chính xác, gần với sự thật lịch sử hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định, cần tiếp tục phải có xác minh và kiểm chứng, đưa ra cứ liệu cụ thể,  còn cần tiếp tục nghiên cứu các điển cố, điển lễ… liên quan đến con dấu của các thời kỳ và các luận điểm, chứng cứ khoa học khác để khẳng định về giá trị vô giá của hiện vật ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” để phát huy giá trị văn hoá phi vật thể.

Kết luận buổi toạ đàm, GS. Phan Huy Lê nhận định, phải nhìn nhận ấn “Sắc mệnh chi bảo” như một hiện vật khảo cổ học và tôn trọng các nguyên tắc, phương pháp của khảo cổ học. Theo GS. Phan Huy Lê, hiện vận khảo cổ ấn “Sắc mệnh chi bảo” đủ cơ sở khoa học kết luận là thuộc tầng văn hoá thời Trần.  Ấn “Sắc mệnh chi bảo” còn cần tiếp tục nghiên cứu bằng nhiều phương pháp để xác định chắc chắn về niên đại xuất xứ để có kết luận chính xác nhất.

Trong lễ dâng hương khai xuân tại Hoàng thành Thăng Long tổ chức ngày 16/2/2016, Trung tâm bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long Hà Nội đã lần đầu tiên tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn tại khu vực Điện Kính Thiên. Đây là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.

Việc tìm tòi nghiên cứu thể nghiệm lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” là một hoạt động trong nghiên cứu lâu dài của Trung tâm bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, một số nhà khoa học và GS. Phan Huy Lê không đồng ý với việc thực hiện lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

Gia Huy

Top