Giải ‘bài toán’ giữa bảo tồn và phát triển bền vững khu phố cổ

02/11/2020 8:04 AM

(Chinhphu.vn) – Phố cổ Hà Nội chứa đựng giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc không chỉ với Thủ đô mà còn đối với cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển nhanh của đô thị, việc bảo tồn, tôn tạo Khu phố cổ Hà Nội gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi quy hoạch phân khu khu vực này đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

* Từ câu chuyện phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội

Khó khăn trong việc giữ gìn nguyên vẹn không gian, kiến trúc phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng hơn 82 ha với 10 phường, 78 tuyến phố và 83 ô phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dân số hiện có hơn 66.000 người, mật độ 823 người/ha, cao so với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô về mật độ dân khống chế cho khu phố cổ đến năm 2020 là 500 người/ha. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ.

Chia sẻ ý kiến về việc bảo tồn Khu phố cổ, KTS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, phố cổ là trung tâm của Hà Nội, không chỉ là của quận Hoàn Kiếm, của Thủ đô Hà Nội, phố cổ còn được xác định trên bản đồ thế giới. Các con phố đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ. Đối với một di sản lớn như vậy thì việc phải có những quy chế, chính sách đặc biệt, cơ sở pháp lý để quản lý là một việc cấp thiết hiện nay đối với Hà Nội.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho hay, khu phố cổ có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử, gắn liền với tiến trình phát triển của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Với những giá trị này, khu phố cổ đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2004, được tập trung nguồn lực, triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh thương mại - du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, không gian phố cổ Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những vướng mắc trong “bài toán” bảo tồn và phát triển. Là di sản “sống”, lại nằm giữa Thủ đô, Khu phố cổ Hà Nội có mật độ dân số dày đặc, các hoạt động kinh tế luôn sôi nổi, văn hóa đa dạng. Vì thế, việc giữ gìn hình thái không gian, kiến trúc cảnh quan còn gặp nhiều khó khăn, trong khi biện pháp cải thiện điều kiện sống bên trong các tuyến phố, nhà cổ xuống cấp vẫn chưa đồng bộ.

Về việc bảo tồn phố cổ, Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, đến thời điểm này, rất cần nâng tầm đối với công tác bảo tồn phát huy giá trị phố cổ Hà Nội, để địa danh này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, bảo tàng sống.

Theo bà Bình, công tác quy hoạch Khu phố cổ phải được quan tâm hơn nữa, bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như không gian công cộng, trường học, bãi đỗ xe, không gian ngầm, bảo vệ giữ gìn môi trường, tạo tiện nghi, tiện ích sống của người dân…

Chung tay bảo vệ các giá trị văn hóa, kiến trúc Khu phố cổ

PGS. TS. Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ rất quan trọng. Việc tuyên truyền bảo vệ các giá trị văn hóa phố cổ, đặc biệt là kiến trúc của Khu phố cổ cho người dân là cần thiết.

Để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, theo ông Trúc Anh không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ. Vì vậy, cần có cơ chế xã hội hóa cho việc bảo vệ và khai thác các ngôi nhà cổ. Bên cạnh đó, cần có những chương trình đánh giá tác động của hoạt động và phát triển du lịch đến các giá trị kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội để có kế hoạch phân bổ hợp lý và giảm thiểu những tác động bất lợi.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng đối với khu vực nội đô lịch sử, đặc biệt là Khu phố cổ cần cải tạo chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú; bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.

Cụ thể hóa quy hoạch chung, thực hiện nhiệm vụ UBND Thành phố giao, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (Khu phố cổ Hà Nội), hiện đã trình để UBND TP. Hà Nội xem xét phê duyệt.

Trong nội dung của đồ án khuyến khích phát triển các loại hình chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn, phố nghề buôn bán truyền thống trong khu vực phố cổ để phục vụ quảng bá hình ảnh và hấp dẫn phát triển kích cầu du lịch trong nước và quốc tế; di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp và chuyển đổi chức năng sử dụng đất, tăng cường các không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian xanh, các giải pháp kiến trúc xanh, bổ sung các tiện ích đô thị; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dần dần hướng đến mở rộng không gian đi bộ trong toàn khu vực phố cổ kết nối với không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận; thực hiện đề án giãn dân phố cổ, trả lại không gian cảnh quan ban đầu trong các khuôn viên di tích đình, đền chùa,… giảm mật độ xây dựng các công trình.

Theo đồ án, các công trình với nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị bao gồm: Mạng lưới đường toàn bộ khu vực được bảo tồn nguyên trạng mặt cắt ngang; 6 tuyến phố chính phục dựng hình ảnh tuyến phố đặc trưng khu phố cổ gắn với các nhà ống truyền thống; duy trì tính liên tục cảnh quan, tính thống nhất về chiều cao công trình. 7 phố nghề bảo tồn hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Các tuyến phố còn lại cải tạo mặt phố theo hướng phục dựng lại nguyên gốc, được phép cải tạo xây mới theo kiến trúc mới nhưng cần bảo đảm hài hòa với phong cách kiến trúc truyền thống.

Các nhà mặt phố đi bộ chính, trục trung tâm sẽ bảo tồn toàn bộ các nhà ống có giá trị (bảo tồn phong cách kiến trúc gốc, kết cấu không gian). Các nhà mặt phố trục trung tâm, trong khu vực bảo tồn cấp I được phục dựng, cải tạo mặt đứng theo mẫu; cho phép cải tạo, làm mới hiện đại bên trong.

Trục trung tâm và khu vực bảo tồn cấp I phục dựng hình ảnh “mái ngói lô xô”, mái dốc. Các di tích đã được xếp hạng trùng tu, sẽ bảo tồn nguyên trạng; kiểm soát không gian với các công trình kề cận. Các di tích chưa được xếp hạng, quản lý chống lấn chiếm, duy tu bảo dưỡng…

Ông Nguyễn Trúc Anh thông tin thêm, Viện Quy hoạch Xây dụng Hà Nội đã tiếp thu giải trình, bổ sung hoàn chỉnh theo các góp ý của chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan, Bộ Xây dựng và theo các chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Thời gian tới, khi được duyệt đây sẽ là cơ sở để quản lý, phát triển khu vực này một cách toàn diện.

Thùy Chi

Top