Giao thoa văn hóa ở chung cư

29/11/2019 10:25 AM

(Chinhphu.vn) - Thế giới phẳng ngày nay đã khiến cư dân chung cư trở nên đa dạng hơn khi người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đông (riêng công dân Hàn Quốc vào sống lâu dài ở Việt Nam đã có hơn 100.000 người). Đang có một sự giao thoa văn hóa sâu sắc do làn sóng người nước ngoài định cư tại Việt Nam, phần lớn là tại các chung cư.

Các khu chung cư có nhiều không gian chung để tổ chức giao lưu và gặp gỡ, đây là cơ hội để tiếp cận văn hóa chung - Ảnh: Nguyễn Thắng

Va chạm văn hóa

Luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ thông qua cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường địa ốc nóng lên. Chính bởi vậy, nhiều dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể lượng khách ngoại mua căn hộ.

Sau 3 năm chính thức thông qua điều luật cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản (BĐS), Savills Việt Nam đã công bố báo cáo nghiên cứu về phân khúc căn hộ cao cấp với nhiều tín hiệu tích cực.

Theo đó, gần 300 dự án cũng đã được cấp phép bán cho người nước ngoài. Đặc biệt, khu vực Mỹ Đình là nơi tập trung đông khách hàng quốc tế với nhiều dự án lớn có khách ngoại chiếm tỷ lệ cao như Mỹ Đình Pearl, Keang Nam, Goldmark City…

Đánh giá về phương hướng lựa chọn căn hộ của khách quốc tế, bà Lương Bạch Vân (Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam tại nước ngoài) cho hay: “Khách quốc tế hầu hết đến từ những quốc gia có đời sống vật chất cao nên yêu cầu cao về chất lượng và tiện ích để phục vụ cuộc sống. Bởi vậy, họ luôn ưu tiên mua nhà tại những vị trí đáp ứng tốt mọi nhu cầu sinh hoạt và giải trí, môi trường trong lành, dịch vụ đa dạng, bảo đảm an ninh trật tự và thuận tiện về giao thông”.

Từ nhận xét trên, bà Bạch Vân nhấn mạnh, phân khúc bất động sản được khách nước ngoài lựa chọn thường là chung cư cao cấp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Thắng, cư dân chung cư Iperia Garden, Thanh Xuân nói, nhiều khi có những văn hóa ở chung cư cần phải sửa, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cảm thấy rất bất tiện. Ông Thắng dẫn ví dụ: “Ở chung cư, một vấn nạn hàng đầu là chuyện đi thang náy. Nơi tôi ở chưa lâu nhưng thấy thang máy phải bảo trì nhiều. Ban đầu tôi nghĩ là chất lượng thang máy khi lắp đặt không tốt. Nhưng sau tìm hiểu thì té ngửa là do cư dân sử dụng không khoa học, nếu không nói là bừa bãi. Chẳng hạn, hai người trong 1 căn hộ đi vào thang máy, kẻ trước nhanh, người sau chậm nên đương nhiên người trước phải giữ thang, mà giữ thường lâu. Một lần không sao, nhiều lần thì có chuyện. Một người không sao, nhiều người thành hậu quả. Thế thì làm sao thang máy không nhanh phải bảo trì”.

Ở nước ngoài việc nói “xin lỗi” và “cảm ơn” rất phổ biến nhưng điều này chưa có nhiều ở người Việt. Anh Han Cheol, người Hàn Quốc, sống tại chung cư Goldmark City, Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm cho biết: “Một bận đi thể dục sớm, qua cửa kính tôi nhìn thấy một cô gái ra hiệu từ phía trong mở dùm cửa có lẽ vì không mang thẻ. Tôi ấn dấu vân tay vào nốt tròn đỏ, cửa mở, cô gái vọt ra đi thẳng. Còn cô ấy có lẽ nghĩ đó là nghĩa vụ của một người đàn ông chăng? Tôi cũng gặp mấy lần đi đụng nhau, dẫm chân lên nhau, đẩy cửa không quan sát đập vào đầu người khác không xin lỗi…”.

Hay như chị Nguyễn Thu Lan, sống tại chung cư SesonAvenew, Mỗ Lao, Hà Đông cho biết: “Nhiều khi nếu mình ở dưới thì liệu tính đến khả năng chịu đựng tiếng ồn của căn hộ phía trên (sẽ là trẻ con đi xe bánh đặc, sẽ là kê dọn bàn ghế, sẽ là tiếng khoan đục tường tự do, sẽ là tiếng băm thớt của mấy người già không tích dùng máy xay thịt,...). Tôi đã chứng kiến hơn một lần ông nước ngoài ở nhà dưới đỏ mặt tía tai cãi nhau với ông ở nhà trên vì việc này”...

Sống chung để phát triển

Mới đây, Hà Nội đã công bố danh sách chung cư đủ điều kiện bán cho người nước ngoài. Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết danh sách 16 dự án nhà ở thương mại đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn thành phố.

Theo danh sách trên, quận Hà Đông là địa bàn có nhiều dự án được công nhận nhất, gồm: Khu nhà ở Ngân Hà Vạn Phúc (TSQ Galaxy 1); Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc; Khu chung cư quốc tế Hoàng Thành City; Nhà ở chung cư để bán cho cán bộ chiến sĩ công an thành phố Hà Nội.

Tiếp theo là quận Long Biên, với 3 dự án, gồm: Khu nhà ở xã hội tại ô đất B8.NXH; Dự án CT15 Việt Hưng, Khu đô thị mới Việt Hưng và dự án Mipec Riverside.

Quận Cầu Giấy và Thanh Xuân mỗi địa bàn có 2 dự án, gồm: Dự án Dreamland Plaza; Dự án đầu tư công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại tại 265 Cầu Giấy, cả 2 dự án này điều thuộc địa phường Dịch Vọng Hậu; Dự án Khu nhà ở thấp tầng để bán tại số 2A, ngõ 85 phố hạ Đình; Dự án PCC1 Thanh Xuân tại số 44 Triều Khúc.

Ngoài ra, còn một số dự án khác, gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); Dự án Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm); Nhà ở cao tầng kết hợp hành chính đơn vị ở tại ô đất NO-CT2 thuộc dự án Hải Đăng City (quận Nam Từ Liêm); Dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); Dự án Tổ hợp văn phòng, căn hộ và biệt thự tại 16 Láng Hạ (quận Ba Đình).

Trong một báo cáo mới đây của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội về chương trình giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam", cơ quan này cho biết, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Những tổ chức, cá nhân này tập trung tại các địa phương: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long…

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định của Việt Nam về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế, theo đánh giá của đoàn giám sát.

Như vậy Luật định đã dần mở ra cơ hội phát triển cho người nước ngoài tại Việt Nam cùng làn sóng đầu tư khá lớn vào nền kinh tế hiện nay. Đây là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Để bắt kịp và phát triển cùng xu hướng đó, mỗi cư dân trong đô thị, đặc biệt là trong các chung cư có hỗn hợp người dân nhiều quốc tịch sinh sống cần tự nâng cao ý thức chung của mình. Bởi, bên cạnh những vấp váp, va chạm về văn hóa ban đầu, đây cũng là cơ hội để tìm hiểu, học hỏi nhiều nền văn hóa, kinh tế khác nhau ngay tại Việt Nam.

Nguyễn Thắng

Top