Giao thông Thủ đô: Bước chuyển mình ấn tượng

31/12/2017 11:12 AM

(Chinhphu.vn)-Với hàng loạt những kế hoạch, định hướng được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội thông qua cùng sự đồng thuận cao, năm 2017 được coi là năm bản lề của giao thông Thủ đô. Một năm có sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đô thị góp phần thay đổi về diện mạo Thủ đô.

Sự phát triển về giao thông góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô. Ảnh: Diệu Anh

Nhiều kế hoạch, định hướng cho giao thông Thủ đô

Năm 2017, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 về việc thông qua Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” với 6 nhóm giải pháp và 45 giải pháp cụ thể thực hiện quản lý phương tiện giao thông.

Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2020, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục thực hiện các danh mục công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trọng điểm đang triển khai và đề xuất các công trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông; từ năm 2021 đến năm 2030, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và theo hình thức PPP nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chính cho Thành phố, thực hiện công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tham mưu xây dựng rất nhiều đề án, văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến lĩnh vực giao thông vận tải của Thành phố như: Quản lý hoạt động của xe taxi; quy định về hoạt động của các phương tiện; quy định về hoạt động vui chơi, giải trí trên các sông, hồ; quy định quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.Hà Nội; quy định quản lý, khai thác điểm dừng đón trả khách cho xe khách liên tỉnh; đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030; chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030”;...

Tạo sự chuyển biến rõ rệt

Năm 2017, ngành giao thông Hà Nội đã có những nỗ lực vượt bậc, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt cho bộ mặt giao thông Thủ đô. Theo đó, Hà Nội đã giảm được 17/41 điểm ùn tắc giao thông. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương; cơ bản giải quyết được 46 điểm đen về tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, hàng loạt những công trình giao thông quan trọng, cấp bách đã được hoàn thành như: Cầu vượt nút giao Cổ Linh-Long Biên; Cầu vượt nút giao Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái, hầm chui Khuất Duy Tiến,…

Lần đầu tiên sau nhiều năm, vận tải hành khách công cộng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại (Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn Thành phố ước đạt 767,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 441 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 13,8% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 2,2 % so với kế hoạch năm và tăng 2% so với năm 2016).

Cũng trong năm 2017, đánh dấu bước tiến mới của giao thông Thủ đô khi ngày 1/1/2017, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa. Đây là tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội và cả nước.

Năm qua, Hà Nội đã hoàn thành điều chuyển, sắp xếp 681 nốt (giờ) tuyến vận tải hành khách cố định thuộc 26 tỉnh, Thành phố từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3 theo đúng định hướng quy hoạch của Bộ GTVT.

Đặc biệt hơn, năm 2017 đánh dấu sự thay đổi lớn của xe buýt khi 100% các huyện ngoại thành đã được kết nối xe buýt và bảo đảm 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã có xe buýt trợ giá phục vụ việc đi lại của nhân dân.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Nói về giao thông đô thị trong thời gian tới, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch giao thông Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Hà Nội luôn xác định kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá, vì vậy, thời gian qua, Thành phố đã tập trung rà soát các dự án trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư.

Hiện Thành phố cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch bằng các chương trình khép kín các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, đầu tư các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5, các trục tuyến xuyên tâm, các hệ thống bến bãi cũng như các bãi xe liên tỉnh…

Song song với việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Thành phố cũng tiếp tục xây dựng những cây cầu. Theo dự kiến, đến năm 2021, 5 cây cầu mới là cầu Tứ Liên, cầu Đuống 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được xây mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT hoặc BOT. Các cây cầu này sẽ bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng mức đầu tư khoảng hơn 38.000 tỷ đồng.

Ông Viện cho biết, các cây cầu được xây dựng qua các con sông không những giúp giảm ùn tắc giao thông, mà cũng chính là động lực để Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh về kinh tế trong tương lai và phần nào đó tạo mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, Thành phố sẽ tổ chức giao thông hợp lý trên cơ sở tổ chức kết cấu hạ tầng giao thông nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Phát triển giao thông công cộng, trên cơ sở đó hạn chế giao thông cá nhân, phát triển giao thông thông minh.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông...

Diệu Anh

Top