Hà Nội phấn đấu năm 2020 nông nghiệp công nghệ cao đạt 35%

22/11/2016 5:33 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều rào cản về tích tụ đất đai, quy hoạch, bảo hiểm, hỗ trợ, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực… đã được các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, nhằm tháo gỡ những rào cản, “hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016-2020.

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra được những sản phẩm có chất lượng-Ảnh minh họa

Tại buổi tọa đàm "Xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nôi" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức vào hôm nay (22/11), bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 157.200 ha, chiếm 46,8% tổng diện tích đất toàn Thành phố. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 đạt gần 32.900 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2010. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 1,2 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, ngành thủy sản và dịch vụ nông nghiệp.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố, một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất vượt trội, giá trị tăng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm như sử dụng giống mới có năng suất cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... Sơ chế, chế biến, bảo quản rau, hoa quả, thịt, trứng bằng các công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh... Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố hiện đạt 25%, trong đó, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt gần 18%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.

Định hướng đến năm 2020, Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Còn nhiều tồn tại

Tuy nhiên, đến lúc này, chưa có nhiều nông dân và thậm chí ngay cả các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bởi việc sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài...

Lý giải về hiện trạng trên, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, đó là do việc xác định đối tượng đầu tư chưa đúng, công nghệ đầu tư chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam, công tác quản lý, vận hành chưa đồng bộ, chưa cụ thể; chưa gắn kết giữa sản xuất với thị trường; chưa có sự phối hợp giữa 4 nhà một cách chặt chẽ. Đặc biệt chưa huy động được tiềm năng và những thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước cùng đầu tư và tổ chức sản xuất.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã nêu ra những ý kiến đóng góp và những kiến nghị của mình để làm sao ứng dụng tốt công nghệ cao vào nông nghiệp. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội hóa chất nông nghiệp TP. Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam, cho rằng, hiện nay khái niệm về công nghệ cao vẫn còn mập mờ, do đó cần có truyền thông rõ ràng cho người dân hiểu thế nào là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Theo ông Thắng, ngành nông nghiệp có rất nhiều sáng chế công nghệ cao nhưng rất ít các sáng chế được ứng dụng vào thực tế. Nên chăng các nhà khoa học cần nghiên cứu để ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao đi vào thực tế, khuyến khích người nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân vào sản xuất, tiêu thụ...

Cần quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, Hà Nội nên quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cần đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, máy móc,... để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đây là chính sách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Hà Nội không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh và phải phù hợp với điều kiện tại vùng sản xuất đó.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, phát triển nông nghiệp đòi hỏi một cuộc vận động xã hội lớn lao. Các quan điểm, nhận thức, chiến lược, quy hoạch, lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn rõ ràng.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, cần triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng doanh nghiệp trong việc phát triển rau hoa công nghệ cao; tăng cường phát triển thị trường thông tin, dịch vụ hỗ trợ; mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển sản xuất rau công nghệ cao.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho rằng, việc hình thành một chuỗi liên kết từ sản xuất - quản lý - kinh doanh - tiêu thụ là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

“Hiện nay, sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao có nhiều tiêu chí khác nhau. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu nhằm thống nhất một tiêu chí chung về công nghệ cao trong nông nghiệp để người dân nắm rõ và áp dụng tốt vào thực tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Kim Liên

Top