Gỡ “vướng” cho giáo dục – đào tạo

03/07/2020 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong việc thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước và Thành phố trong khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực xã hội hóa tuy nhiên, khi thực hiện các chính sách này, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa nói chung, lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng được Cục Thuế thành phố xem xét, giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất nếu đáp ứng đủ điều kiện và hồ sơ miễn giảm đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, việc giải quyết miễn giảm tiền thuê đất đối với một số dự án xã hội hóa thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất còn vướng mắc do cơ chế chính sách, quy định pháp luật chưa thống nhất. Cụ thể, đối với các Dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất thì không được áp dụng miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 5, điều 3, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

 

Về vay vốn tín dụng ưu đãi. theo quy định tại khoản 9, điều 10, Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19/5/2015, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, trình tự hồ sơ cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực xã hội hóa vay vốn và cho vay để đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất.

Đến nay, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã cho 01 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo vay vốn với số tiền 147 tỷ đồng. Khó khăn đặt ra hiện nay là do Quỹ là tổ chức tài chính của Thành phố nên hoạt động theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về  sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007; theo đó, Quỹ chỉ cho vay đối với các dự án thuộc đối tượng cho vay của Quỹ, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật (bao gồm: quyết định chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, phê duyệt dự án, giấy phép xây dựng) và đáp ứng các điều kiện cho vay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư không đáp ứng được các điều kiện cho vay, không đủ điều kiện để đảm bảo cho khoản vay; lãi suất cho vay cao hơn so với mong đợi của nhà đầu tư. Tại các Hội nghị do Quỹ Đầu tư tổ chức, đại diện một số trường đề nghị xem xét giảm mức lãi suất cho vay do các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm, việc giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn tín dụng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển tổ chức nhiều biện pháp, tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, khai thác cho vay dự án; đến nay đã tổ chức 09 hội nghị xúc tiến cho vay, thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 200 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đối với khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản tham gia ý kiến với Bộ Tài chính (cơ quan được giao chủ trì rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ...) các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như nêu trên.

Sau khi Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về xã hội hóa, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành của Thành phố rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa của Thành phố; bảo đảm phù hợp quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn của Thành phố.  

Minh Anh

 

Top