Hà Nội báo cáo Thủ tướng 21 vấn đề khó khăn cần tháo gỡ

29/09/2017 4:00 PM

(Chinhphu.vn) – Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác với lãnh đạo chủ chốt của TP. Hà Nội sáng 29/9, Hà Nội đã báo cáo đề nghị Chính phủ xem xét 21 kiến nghị cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển.

Ảnh: Gia Huy

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung,  năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở; sự hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực trên các mặt.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng thừa nhận còn một số tồn tại, hạn chế trong sản xuất kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, ùn tắc giao thông; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chưa thực sự chủ động, còn hạn chế, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tại một số điểm công cộng, tình hình cháy nổ, dịch bệnh sốt xuất huyết, một số nơi còn thiếu điện nước cục bộ, chất lượng nước chưa bảo đảm...

Bên cạnh đó, việc chỉnh trang cảnh quan đô thị, bảo tồn các kiến trúc văn hóa trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép từ nhiều năm trước đây.

Đặc biệt, mặc dù Luật Thủ đô đã có hiệu lực 3 năm, nhưng đến nay, Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã báo cáo kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương 21 vấn đề cụ thể.

Trong đó, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các Dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố”. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Cho phép Thành phố được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn Thành phố để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.

Về công tác thực hiện cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước do thành phố Hà Nội quản lý, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép thành phố Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Phân cấp cho Thành phố được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội. Theo đó Hà Nội đề nghị được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Ảnh: Gia Huy

Về đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa.

Cùng với các vấn đề nên trên, thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố được thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng để bảo đảm việc quản lý, cung cấp nước sạch theo “một tiêu chuẩn” là “nước sạch đô thị”.

Liên quan đế vấn đề xử lý rác thải, Thành phố đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì.

Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu; đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.

Cùng với các vấn đề nêu trên, Hà Nội cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể như về tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế; phân cấp quản lý Thanh tra xây dựng;  phân cấp quản lý y tế cơ sở; thuê dịch vụ công nghệ thông tin; cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù.

Liên quan đến việc tiếp tục thực hiện Luật Thủ đô, TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao  và Quy chế cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô…

Tại Hội nghị, sau khi nghe Phó Thủ tướng, đại diện các Bộ, ngành thảo luận về các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng đã có phát biểu chỉ đạo kết luận, cơ bản chấp thuận các kiến nghị, đề xuất của Thành phố Hà Nội. Đây là hành lang pháp lý đặc thù quan trọng để tạo động lực và tăng cường huy động các nguồn lực giúp Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, những thành tựu đạt được trong thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trực tiếp đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, thường xuyên dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với Thủ đô, nhất là quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về Hà Nội.

Chính vì vậy, những ý kiến phát biểu kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các thành viên Chính phủ và ý kiến của các Bộ, ban, ngành trong việc chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Thủ đô tại buổi làm việc là những chỉ đạo quan trọng, cụ thể, giao nhiệm vụ cho Thành phố thực hiện trong thời gian tới.

Minh Anh

Top