Hà Nội kiến nghị xử lý vướng mắc, góp phần thúc đẩy các dự án ODA

15/06/2021 11:42 AM

(Chinhphu.vn) – Theo UBND thành phố Hà Nội, các dự án ODA hiện nay đang triển khai tại Hà Nội chủ yếu là các dự án lớn về đường sắt đô thị, quá trình triển khai nhiều gặp nhiều vướng mắc cần các Bộ ngành liên quan quan tâm xử lý để góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện.

Kiến nghị được đưa ra tại hội nghị trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì sáng ngày 14/6/2021, họp với các địa phương về việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, năm 2021, việc triển khai và giải ngân các dự án ODA còn chậm do một số khó khăn vướng mắc. Một trong những khó khăn lớn là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên việc các chuyên gia sang Việt Nam gặp khó khăn; các thiết bị cho các dự án (như đầu máy toa xe của gói thầu số 6 - dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3; các thiết bị nhà máy xử lý nước thải của gói thầu số 1 - dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) phải nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản... đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng.

Ngoài nguyên nhân về dịch COVID-19, việc triển khai một số dự án còn gặp các vướng mắc cụ thể như đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 là vướng mắc về điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu do tiến độ bị thực hiện dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân trong đó lớn nhất là việc chậm GPMB các ga ngầm, nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu quốc tế…; đối dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 là vướng mắc về về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; và liên quan đến quy hoạch  ga ngầm C9 (sát Hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp; (3) đối với dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là vướng mắc về việc cơ cấu lại dự án, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh...

Để thúc đẩy việc giải ngân vốn ODA trong năm 2021, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn để các địa phương và các ngành rà soát, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn ODA năm 2021; đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét cho ý kiến trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay với các nhà tài trợ của các dự án (cụ thể hiện nay là điều chỉnh thỏa ước vay AFD của Dự án Tuyến ĐSĐT Nhổn – ga Hà Nội); Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (chủ quản dự án Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp) sớm thực hiện các thủ tục ký Hiệp định vay của các dự án trường nghề để các dự án thành phần có thể giải ngân.

Theo đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các dự án ODA hiện nay đang triển khai tại Hà Nội chủ yếu là các dự án lớn về đường sắt đô thị, quá trình triển khai nhiều gặp nhiều vướng mắc trong GPMB, sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ khi triển khai các hợp đồng với nhà thầu quốc tế dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp. Do vậy, thành phố Hà Nội đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp… quan tâm, hướng dẫn UBND Thành phố để xử lý các vướng mắc nêu trên, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện, hạn chế các tranh chấp với các nhà thầu.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tại Hội nghị trực tuyến sáng 14/6, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Hiện mới có 15 trong tổng số 63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3%; 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân là 0%.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 và nêu các nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này. Theo đó, các nguyên nhân khách quan được phản ánh như: ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chuyên gia các nước không sang được; khó khăn trong khâu nhập khẩu vật tư thiết bị ở các nước có dịch; thiết bị của dự án thay đổi theo yêu cầu của nhà tài trợ; quá trình xin kiến của các nhà tài trợ, hơp đồng vay vốn trình tự kéo dài... làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Đặc biệt, những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng rất lớn dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài như không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán (chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm…); chậm xử lý đơn rút vốn... 

Minh Anh

 

Top