Hà Nội lấy sức mạnh nhân dân để đẩy lùi COVID-19

02/09/2021 7:15 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, Hà Nội tiết giảm tối đa các hoạt động trang trí kỷ niệm, nhưng sắc cờ đỏ, sao vàng vẫn rực rỡ trên mỗi ngôi nhà, góc phố, thắp lên niềm tự hào và ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác chống dịch tại xã, phường - Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, sức mạnh nhân dân là động lực làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử, nay sẽ tiếp tục là chỗ dựa để Thủ đô quyết tâm đẩy lùi COVID-19.

- Năm nay, Hà Nội và cả nước kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo như thế nào để vừa bảo đảm các hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, thưa đồng chí?

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 luôn là dịp lễ đặc biệt, khiến đồng chí, đồng bào Thủ đô và cả nước bồi hồi xúc động tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lớp lớp các bậc tiền bối, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc.

Năm nay, dịp lễ này diễn ra giữa lúc Trung ương, Hà Nội và cả nước xác định nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch COVID-19, tập trung cao độ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Các hoạt động kỷ niệm, trang trí đều tối giản, tiết kiệm tối đa; chủ yếu tập trung một số điểm có ý nghĩa lịch sử lớn tại khu vực Quảng trường 19-8 trước Nhà hát lớn hay khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử. Thành phố tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, cổ vũ, động viên nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Như các bạn thấy, từ nhiều ngày nay, người dân khắp thành phố đã tự treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc ở trước cửa nhà, toà nhà chung cư hay tuyến phố nơi mình sinh sống, cho nên Hà Nội dù đang tập trung chống dịch vẫn rất tươi vui, rực rỡ, là hình ảnh của tinh thần lạc quan, quyết tâm với ý chí cao nhất để đẩy lùi dịch COVID-19.

- Là đô thị với 10 triệu dân, Hà Nội luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 ra sao để bảo đảm sự chủ động và kiểm soát tốt tình hình, thưa đồng chí?

Nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội xác định với vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, phải luôn xác định có nguy cơ rất cao với dịch COVID-19 để chủ động dự báo trước, đi trước, làm trước; áp dụng biện pháp mạnh ngay từ sớm để khống chế dịch.

Trước diễn biến nguy hiểm của đợt bùng phát dịch thứ 4, thành phố đã thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7/2021, đây là một quyết định được Trung ương, dư luận và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Sau 40 ngày thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu. Quan trọng nhất là kiểm soát không để dịch bùng phát mất kiểm soát. Từ ngày 27/4 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 3.300 ca F0, trong đó, hơn 1.800 ca đã được điều trị khỏi.  

Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố, chung cư... với nhiều mô hình sáng tạo của các địa phương, tiêu biểu như mô hình cách ly “3 lớp” đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận tặng bằng khen cho 7 tập thể, cá nhân của huyện Đông Anh... Hiện nay, thành phố đang duy trì 23 chốt chặn cửa ngõ, 44 chốt đường ngang vào thành phố; hơn 3.000 chốt vòng cấp huyện, cấp xã, đến tận thôn, xóm.

Chúng tôi coi xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là biện pháp mũi nhọn để bóc tách F0, làm sạch các “vùng đỏ”, “vùng da cam”... Đến nay, qua 2 đợt tổ chức xét nghiệm, toàn thành phố đã xét nghiệm được hơn 1,3 triệu mẫu, phát hiện hàng chục ca F0 để kịp thời tổ chức truy vết, khoanh vùng, cách ly.

Song song với các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm khống chế các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn dịch lây lan rộng, Hà Nội đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm việc cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân F0 với các phương án, kịch bản dịch diễn biến xấu, ở mức cao hơn với quyết tâm không để phải cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà. Đến nay, thành phố đã chuẩn bị xong phương án bảo đảm 10.000 giường bệnh điều trị F0, đang tiếp tục chuẩn bị phương án 20.000 giường và 30.000 giường bệnh; đã kích hoạt khoảng 75.000 chỗ cách ly F1 tập trung và đang tiếp tục chuẩn bị để đáp ứng 100.000 chỗ cách ly các ca F1. Các điểm cách ly được ưu tiên tổ chức ở khu vực ngoại thành có mật độ dân cư thấp hơn.

Xác định tiêm vaccine vẫn là biện pháp có tính chiến lược, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị phương án tổ chức 1.200 dây chuyền tiêm, tổ chức diễn tập, vận hành an toàn. Nên được phân bổ vaccine đến đâu thành phố tiêm ngay đến đó.  

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thực hiện ngay việc hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-CP ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, chúng tôi đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố. Tính đến hết tháng 8/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,34 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí khoảng 750 tỷ đồng.

Hà Nội cũng đang thực hiện các bước, thủ tục theo quy định pháp luật để giảm 50% học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 gồm cả cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.

Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố khác, trước đây là Bắc Ninh, Bắc Giang, vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Thành phố Hồ Chí Minh”, Hà Nội đã hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo; hỗ trợ 18 tỉnh, thành phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...

Quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội là phải thực hiện tốt “mục tiêu kép”, “nhiệm vụ kép” - Ảnh: VGP

- Trong điều kiện phải tập trung phòng, chống dịch, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1, Hà Nội có giải pháp gì để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội?

Quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội là phải thực hiện tốt “mục tiêu kép”, “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh, nhưng nửa đầu năm nay, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng gần 6%, thu ngân sách đạt hơn 53% dự toán Trung ương giao.

Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã tập trung chỉ đạo yêu cầu doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất an toàn, giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và kiểm tra, giám sát. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp đến nay đã đạt tỷ lệ hơn 50%. Một số quận, huyện, tỷ lệ tiêm cho công nhân, người lao động trong khu, cụm công nghiệp đạt tới 60-70%.

Mặc dù thực hiện giãn cách xã hội, nhưng hệ thống cung ứng hàng hóa toàn thành phố vẫn vận hành thông suốt, hiệu quả; vừa bảo đảm cung cấp đủ, ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, vừa bảo đảm đầu ra cho sản xuất, phát triển thương mại...

Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, để ngay khi khống chế được dịch bệnh, có điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội là tập trung thực hiện, thúc đẩy tăng trưởng.

- Đồng chí có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội?

Kinh nghiệm đầu tiên và rất quan trọng là phải luôn áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, thực hiện quyết liệt ngay từ đầu để chủ động khống chế dịch.

Khi dịch bệnh diễn biến xấu, nguy cơ cao, phải quán triệt trong cả hệ thống chính trị, coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1; đặc biệt phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lấy hiệu quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19” chính là nhằm mục đích này.

Kinh nghiệm quan trọng nữa chính là bài học về huy động sức dân. Cấp uỷ, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở phải lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia chống dịch. Nhờ đó, người dân không chỉ phát huy tinh thần tự giác thực hiện, mà còn trực tiếp tổ chức, tham gia giám sát phòng, chống dịch, thiết lập hàng trăm tổ tự quản, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia vào hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng, tham gia trực, quản lý hàng nghìn chốt kiểm soát dịch ở địa bàn dân cư.

Có thể nói, hiện nay, người dân Thủ đô thực sự đang là chủ thể trong cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19.

- Để tranh thủ đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 lần này, Ban Thường vụ Thành ủy có chỉ đạo như thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thưa đồng chí?

Ngày 31/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1108/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Thực hiện tinh thần này, Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố”, trong đó đặc biệt lưu ý 6 nhóm nội dung yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện, trọng tâm là thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Đặc biệt, thành phố yêu cầu kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Đáng chú ý, chúng tôi yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm...

Chúng tôi tiếp tục coi xét nghiệm diện rộng là biện pháp mũi nhọn; trên cơ sở đó tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhằm bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung; đồng thời tập trung khống chế, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh.

- Đồng chí có nhắn gửi gì tới cán bộ và nhân dân Hà Nội trong lúc toàn thành phố vẫn đang tập trung thực hiện giãn cách xã hội với quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19?

Mặc dù thành phố vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng nguy cơ dịch bùng phát mạnh vẫn còn hiện hữu.

Thành ủy Hà Nội kêu gọi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, đặc biệt là nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết chiến, quyết thắng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả cùng đồng sức, đồng lòng, muôn người như một ở mọi lúc, mọi nơi trong công tác phòng, chống dịch thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PV

Top