Hà Nội nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 80% vào năm 2025

19/01/2021 8:12 AM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội phấn đấu hằng năm số lượng người được đào tạo nghề tăng khoảng 5%, trong đó đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 25%-30%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố đến năm 2025 đạt 75%-80%...

Ảnh minh họa

Đây là nội dung được đưa ra tại kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Theo đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội và phát triển kinh tế, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập khu vực và thế giới.

Trong kế hoạch này, UBND Thành phố cũng đề ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; phấn đấu đến năm 2025, có 4 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao. Phấn đấu hằng năm số lượng người được đào tạo nghề tăng khoảng 5%; trong đó, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 25% đến 30%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75% đến 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55% đến 60%.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, Thành phố cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ yêu cầu phát triển của Thành phố.

Thành phố cũng nâng cao chất lượng truyền thông về các chính sách giáo dục nghề nghiệp, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT và gia đình học sinh. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi về các chính sách tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoạt động hợp tác quốc tế, gắn kết doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Bích Phương

Top