Hà Nội: Phân luồng, lập kế hoạch 4 tầng điều trị bệnh nhân

24/07/2021 12:04 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang lên kế hoạch phân luồng, lập kế hoạch 4 tầng để điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; đồng thời khẳng định ngành y tế Thủ đô đảm bảo được công tác điều trị, chữa trị trong các tình huống, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư để chống dịch, cách ly, tiêm chủng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Huy

Tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 sáng nay (24/7) của Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết từ tối qua đến 7h sáng nay Hà Nội có thêm 9 bệnh nhân đều là trường hợp F1 nên có thể kiểm soát. Hiện tại trong biện viện đang điều trị cho 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh nhân nặng (có 1 bệnh nhân phải lọc máu).

Ở đợt dịch thứ 4, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp nhiễm bệnh, dự kiến vài ngày tới sẽ tăng tiếp vì nhiều trường hợp xét nghiệm phát hiện ngoài cộng đồng. Vì vậy, việc truy vết tiếp theo khá phức tạp. Sở Y tế nêu ở đợt dịch thứ 4 là chủng Delta và Delta plus là chủng lây lan nhanh, chu kỳ chỉ từ 2-3 ngày vì vậy tiên lượng khả năng dịch tiếp tục lây lan rộng tại địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, Sở Y tế đang xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn, cụ thể đang xây dựng cho kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn có từ 5.000, 20.000 và 50.000 giường bệnh.

Để kịch bản chi tiết đi vào thực tế, Sở chia 4 tầng điều trị bệnh nhân, tầng thứ nhất bao gồm bệnh nhân không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, các bệnh nhân này sẽ vào bệnh viện dã chiến (trên cơ sở thành lập tại trường Quân sự Thủ đô; khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp có 3 toàn nhà, mỗi tòa 700 giường bệnh).

Tầng thứ 2 là đối với bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền hoặc liên quan đến các bệnh nền khác sẽ kích hoạt bệnh viên đa khoa tuyến quận, huyện, dự kiến mỗi bệnh viện đa khoa cấp quận, huyện đáp ứng 200 giường.

Tầng thứ 3, 4 bao gồm bệnh nhân nặng, trong đó có các bệnh nhân rất nặng. Hiện Sở đang xây dựng Bệnh viện đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, đáp ứng cho từ 5.000 đến 50.000 bệnh nhân. Với kịch bản như vậy, Sở Y tế tin tưởng có thể hoàn toàn đáp ứng từng tình huống cụ thể.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng. Ảnh: Gia Huy

Hiện tại năng lực của riêng Y tế Hà Nội có 412 giường hồi sức; 222 bác sỹ có khả năng sử dụng máy thở; trên 400 điều dưỡng sử dụng được máy thở. Về xét nghiệm hiện có 48 nghìn mẫu/ngày với 2 máy RT-PCR, trong vài ngày tới có thể bổ sung 5 máy; có 11 xe cứu thương để huy động phân luồng bệnh nhân tốt nhất.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh cho thấy việc phân luồng bệnh nhân hết sức quan trọng, cần phân luồng tốt để theo dõi, xử lý. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội xây dựng 4 tầng điều trị. Tầng 1 bảo đảm không lây chéo, theo dõi dấu hiệu chuyển bệnh; tầng 2 là điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình và bệnh lý nền; tầng 3,4 điều trị bệnh nhân cần can thiệp, với tầng này đặt mục tiêu quyết tâm hạ tỷ lệ tử vong hết sức có thể.

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, với tính chất là Thủ đô, Trung tâm chính trị hành chính Quốc gia, Hà Nội nếu không phòng, chống dịch tốt sẽ có tác động tới cả nước. Tại cuộc làm việc gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bảo đảm thành trì và thành quả của công cuộc chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã nỗ lực rất lớn với nhiều giải pháp quyết liệt.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ chống dịch đã được Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động thực hiện. Trong đó, ngành y tế Thủ đô đảm bảo được công tác điều trị, chữa trị trong các tình huống, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư để chống dịch, cách ly, tiêm chủng.

Gia Huy

Top