Hà Nội tiên phong trong truy xuất nguồn gốc nông sản

12/09/2016 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thời đại thông tin nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng nông sản vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Hà Nội có nhiều sản phẩm nông sản có thể truy xuất nguồn gốc bằng smartphone thông qua mã QR code được cấp cho mỗi sản phẩm. Ảnh: Đỗ Hương

Bán rẻ vì mù mờ thông tin

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đưa ra  nhận định: "Có một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng (NTD) thắt chặt chi tiêu để vượt qua khủng hoảng kinh tế thì lượng tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ của Việt Nam (cá tra tại thị trường EU là một ví dụ) lại giảm sút nghiêm trọng tại một số thị trường. Mặc dù Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất, như: BAP, GAP, ASC, CS…, nhưng những thông tin hầu như không được truyền tải đúng lúc và đúng kênh đến NTD".

Về phía cơ quan quản lý, mặc dù đã ban hành những quy định về khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện truy xuất nguồn gốc để hội nhập với thế giới, nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, đồng thời góp phần giảm thiểu thủ tục cho DN.

Theo Ts. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD): "Mặc dù có vị thế xuất khẩu (XK) nông sản nhất, nhì thế giới nhưng thời gian qua, giá cả biến động mạnh, chúng ta hoàn toàn bị động vào thị trường. Hầu hết nông sản XK chưa qua chế biến. Trong toàn ngành nông nghiệp, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 10%. Vì vậy giá nông sản XK của Việt Nam luôn thấp hơn giá bình quân thế giới. Chẳng hạn, giá chè năm 2006 bằng 44% giá thế giới, năm 2012 bằng 59% giá bình quân thế giới; tương ứng, giá gạo là 88% và 79% giá bình quân thế giới, giá cà phê là 55% và 89% giá bình quân thế giới.

Theo ông Sơn, Việt Nam có 14 triệu nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Vật tư nông nghiệp đầu vào từ DN sản xuất phải đi qua rất đông các đại lý rồi mới đến cửa hàng bán lẻ. Sản phẩm đầu ra của nông dân đến với DN tiêu thụ nông sản cũng phải qua một khối khổng lồ các thương lái. Nông dân, cả người tiêu thụ, tiêu dùng đều mù mờ thông tin về sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù là lực lượng chủ đạo sản xuất ra nông sản nhưng dù giá XK tăng hay giảm, nông dân vẫn được hưởng lợi rất ít. Đây là câu chuyện nan giải nhất từ trước đến nay.

Nhìn ra quốc tế, hiện nay Mỹ đã có Đạo luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) ban hành tháng 1/2011, yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết thực phẩm và lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao (phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ dễ tiếp cận, khi cần thiết có thể gửi tới cơ quan thẩm quyền trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra).

 

Tương tự, Canada cũng quy định hết sức nghiêm ngặt về việc dán nhãn, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất… Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường lớn này thì thực hiện truy xuất nguồn gốc là yếu tố sống còn.

Hà Nội đã có hơn 500 mã QR code

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội  (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã tổ chức tập huấn kỹ năng quản trị, sử dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất, DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn.

PGS.TS Lê Sỹ Vinh – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mỗi DN, HTX được tham gia vào hệ thống sẽ được cấp một tài khoản với đầy đủ thông tin về đơn vị mình, các loại sản phẩm, giấy chứng nhận liên quan tới sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, DN cũng sẽ nhận được thông báo khi các giấy chứng nhận sắp hoặc đã hết hạn cũng như ý kiến phản hồi của khách hàng liên quan tới sản phẩm do DN sản xuất, phân phối. Ngoài ra, các DN, HTX còn được hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng smartphone thông qua mã QR code được cấp cho mỗi sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc tập huấn nhằm phục vụ vận hành tốt hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản. Trước hết là các sản phẩm trong Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc Bộ tại Hà Nội được tổ chức từ ngày 9 – 15/9. Đồng thời, đây cũng là dịp để ghi nhận, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các DN, HTX liên quan tới vận hành hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm. Từ đó kịp thời tháo gỡ và hoàn thiện hệ thống, đưa vào vận hành trơn tru trong năm 2017. Qua đó phục vụ tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP cũng như hoạt động của DN và từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã bàn giao tài khoản cho 10 DN, HTX sản xuất, phân phối nông sản thực phẩm với tổng số hơn 500 mã QR code. Đó là: Công ty CP Nhất Nam, Công ty CP VietRap Đầu tư thương mại, Công ty TNHH Vinagap, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty CP Minh Dương, Công ty Việt Liên, Công ty CP Sannam, HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), Công ty TNHH MTV CleverFood, Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam.

Cách sử dụng hệ thống minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc điện tử đối với nông sản thực phẩm được triển khai đối với DN: Truy cập vào web: http://ngtp.xttmnongnghiephanoi.vn để bổ sung và quản lý thông tin liên quan tới các sản phẩm của đơn vị mình.

Đối với người tiêu dùng , trên điện thoại thông minh (smartphone) vào App Store đối với điện thoại chạy hệ điều hành IOS và Google Play đối với điện thoại chạy hệ điều hành Android, tải về ứng dụng NGTP. Sau đó đăng nhập tên, số điện thoại và quét vào mã QR code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Đỗ Hương

Top