Hà Nội: Từng bước, thận trọng đưa cuộc sống về trạng thái 'bình thường mới'

18/09/2021 10:13 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tiến hành từng bước, thận trọng đưa cuộc sống của người dân về trạng thái “bình thường mới”. Việc cho phép một số dịch vụ, các sơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại 19 quận, huyện, thị xã bán hàng mang về từ 12h ngày 16/9 là bước điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, cũng là mong mỏi từng ngày, từng giờ của người dân khi được mở cửa trở lại các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ.

Từ 12h ngày 16/9, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại Hà Nội bắt đầu bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Ảnh Phú Khánh

Nới lỏng nhưng không được mất cảnh giác

Sau gần 4 đợt (gần 8 tuần) liên tục thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 24/7) theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, cho phép một số địa bàn không có ca bệnh trong cộng đồng từ ngày 3/9 được trở lại hoạt động một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Triển khai văn bản của UBND Thành phố, Sở Y tế Hà Nội cũng thông báo có 19 quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 20/CT - UBND ngày 6/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, cụ thể: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Tuy điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch nhưng Hà Nội cũng lưu ý các địa phương tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch; nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Trả lời báo chí trước đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, mặc dù kết quả phòng, chống dịch bệnh đã có bước tiến mới nhưng công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả khi Thành phố đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ, tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Ban Thường vụ Thành ủy hiện đã giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố từ nay đến ngày 21/9 xác định cụ thể các điểm cách ly, phong toả để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ. Sau ngày 21/9, Thành phố cần có xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Thường trực Thành uỷ cũng yêu cầu áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Đồng thời, thường xuyên có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hà Nội đang nỗ lực từng bước đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”. Ảnh: Gia Huy

Hà Nội chống dịch quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả

Sau khi trang Fanpage Thông tin Chính phủ thông tin thông tin về 19 quận, huyện được phép mở một số cơ sở kinh doanh cũng như thông tin Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tiêm phủ vaccine mũi 1, Fanpage Thông tin Chính phủ đã nhận được gần 1.000 lượt comment của độc giả với nhiều ý kiến tích cực về công tác chống dịch COVID-19 của Hà Nội với tinh thần chống dịch quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả…

“Hà Nội chống dịch tuyệt vời”, “Hà Nội vẫn rất linh hoạt và hiệu quả ở công cuộc phòng, chống dịch”, “Không nghĩ tốc độ tiêm nhanh và kịp thời như vậy, Hà Nội cố lên”, “Người dân Hà Nội làm rất tốt trong việc hăng hái tiêm mấy ngày qua, bảo sao Hà Nội mở cửa nhanh như vậy”, “Hà Nội chống dịch quyết liệt. Nhân dân đồng lòng cùng Chính phủ tiêm phủ toàn dân”, “Hà Nội - quản lý dịch quá xuất sắc!”…

Tài khoản Facebook Ngọc Linh Linh Ngọc phản hồi: “Mong mọi người ở bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì vẫn tuân thủ 5K. Có vậy chúng ta giữ vững và tiếp tục phát huy kết quả diễn theo theo chiều hướng tích cực như mấy ngày vừa qua”. Tài khoản Facebook Thảo Nguyễn phản hồi: “Chúc mừng Hà nội. Cảm ơn Chính Phủ và Lãnh đạo TP. Hà Nội đã có những hành động tuyệt vời”…

Những phản hồi tích cực của người dân trên Fanpage Thông tin Chính phủ là những lời động viên quý giá với những nỗ lực, quyết tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tin tưởng, với nội lực và quyết tâm của nhân dân toàn Thành phố, cùng sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành và các địa phương bạn, Hà Nội sẽ đẩy lùi dịch bệnh, sớm bắt đầu trạng thái bình thường mới. Cùng mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.

Mô hình tổ dân phố xanh, chung cư xanh… đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Lên kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cùng với sự giúp đỡ của các địa phương, Hà Nội đã triển khai 2 “mũi chủ công” là tiêm vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm diện rộng. Thông tin đến báo chí tối 16/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội cho biết, tính đến 16h00 ngày 16/9 các đơn vị đã lấy gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 23 ca mắc bệnh. Về công tác tiêm chủng, Thành phố đã triển khai thực hiện 17 đợt tiêm chủng vaccine cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND Thành phố. Tổng 17 đợt thực hiện tiêm được 5.253.449 mũi tiêm (mũi 1: 4.835.178; mũi 2: 418.271), sử dụng 4.812.546 liều vaccine/5.459.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 88,2% trên tổng số vaccine được cấp.

Trên cơ sở những việc đã làm được trong kế hoạch tiêm vaccine, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu các quận huyện thị xã , xã phường thị trấn rà duyệt lại để xây dựng ngay kế hoạch để tiêm vaccine mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vaccine. Có danh sách từng đối tượng với từng loại vaccine để từ đó, Thành phố phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo nguồn cung.

Chỉ đạo tại giao ban Sở Chỉ huy phòng, chống dịch TP. Hà Nội chiều 16/9, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nêu: “Hà Nội đã giãn cách lần thứ tư. Doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành phố đã có chủ trương có tiểu ban mới về việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và tiểu ban này sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể nhất”.

Sau 21/9, Hà Nội cũng không triển khai phân vùng theo 3 vùng phòng, chống dịch  như hiện nay. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố rà soát, có phương án cụ thể triển khai hiệu quả sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9. Việc triển khai phải theo nguyên tắc phòng chống dịch đặt lên hàng đầu và tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Gia Huy

Top