Hà Nội: Xây dựng 'luồng xanh' cho hàng hóa ngay trong nội đô

24/07/2021 5:12 PM

(Chinhphu.vn) - Chuẩn bị hàng hóa, dự trữ các mặt hàng thiết yếu tại kho trên địa bàn và các tỉnh lân cận; xây dựng 'luồng xanh' từ vùng sản xuất về hệ thống phân phối ngay trong nội đô... là những chuẩn bị của Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp bán lẻ nhằm chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh phức tạp hơn trên địa bàn Hà Nội.

Hàng hóa thiết yếu luôn được cung ứng đầy đủ. Ảnh minh họa: Gia Huy

Chuẩn bị hàng hóa cho tình huống dịch bệnh phức tạp hơn

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, từ năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, ngành Công Thương đã đặt ra bài toán cho phương án dự trữ hàng hóa. Đó là tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng trong 1 tháng của người dân với giá trị 21.000 tỷ đồng. Từ bài toán này, đầu năm 2021, Sở đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm đến nay tương đương khoảng 194.000 tỷ đồng. Do đó, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa thiết yếu vẫn bảo đảm cung ứng chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Tuy nhiên, nếu tình huống dịch bệnh phức tạp hơn nữa, bài toán đặt ra cho cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội sẽ khó khăn.

Nếu chỉ tính từ sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thì nhiều mặt hàng không đủ đáp ứng nhu cầu, như gạo chỉ đáp ứng 50%, thịt lợn đáp ứng 91,2%, thực phẩm chế biến đáp ứng 18%; rau củ quả đáp ứng 51%, trái cây chỉ đáp ứng được 35%. Riêng trứng gia cầm khả năng cung ứng của Hà Nội là vượt nếu không có dịch bệnh, tuy nhiên hiện nay nguồn trứng các doanh nghiệp đang thu gom vận chuyển vào phía Nam nên giá trứng lên và sản lượng cho thị trường Hà Nội đang bị thiếu hụt...

Đến thời điểm này, theo bà Phương Lan, dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa cho Hà Nội thuận lợi, sản xuất của địa phương có cung ứng hàng hóa cho Hà Nội vẫn ổn định như Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến qua báo cáo còn chưa hết công suất mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%.  

Đặt ra các tình huống để các Sở, ngành cần có phương án chuẩn bị, bà Phương Lan nhận định nếu diễn biến dịch bệnh tăng hơn có thể dẫn đến hàng hóa thiếu cục bộ, một số hệ thống phân phối đóng cửa do nhiễm dịch bệnh. Phân tích tình huống đặt ra với Hà Nội là lượng hàng dự trữ hết, các tỉnh cung cấp hàng hóa cho Hà Nội cũng bị dịch, hoặc hệ thống phân phối bị đóng cửa do nhiễm dịch, khi đó không có người sản xuất, không có người vận chuyển...

Từ đó, giải pháp Sở Công Thương đặt ra hiện nay là phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn để bảo đảm nguồn cung về rau ăn lá, rau quả tươi, các loại thực phẩm chế biến khác. Ngoài ra đa dạng nguồn cung từ các tỉnh, thành khác; gom thêm nguồn cung từ các nguồn cung cấp nhỏ lẻ có hệ thống chăn nuôi, cung cấp rau củ quả nhằm bảo đảm cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp, theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ cơ bản theo sự chỉ đạo của Thành phố nên nguồn hàng nay tại quầy, kệ hoặc ở kho, tổng kho của các siêu thị ở khu vực phía Bắc hiện tại đủ phục vụ nhu cầu người dân. Do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và nhân lực cho bán hàng qua thương mại điện tử; nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định. Vì vậy ở thời điểm hiện tại tính đột biến sản lượng và giá cả không bị biến động.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, đại diện hệ thống bán lẻ của BRG Group, hiện nay, hầu hết các hệ thống phân phối đã có sự chuẩn bị hàng hóa cho những kịch bản dịch bệnh phức tạp hơn. Như hệ thống bán lẻ BRG đã làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất, lưu tại kho của các nhà sản xuất và lưu tại kho của chính doanh nghiệp tại Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận.

Đại diện hệ thống VinMart và VinMart cũng cho biết, 2 hệ thống siêu thị với hơn 800 đơn vị bán lẻ tại Hà Nội sẽ đảm bảo đủ hàng cho người dân mua sắm. Rút kinh nghiệm từ việc phân phối hàng hóa tại TP Hồ Chính Minh, hiện nay thay vì trữ tại các đơn vị cung cấp, VinMart đã mở rộng các kho bãi tại Hà Nội để sẵn sàng ứng cứu trong kịch bản các siêu thị hết hàng, trữ sẵn hàng hóa tại 4 kho bãi ở Đông Anh, Thanh Trì và 1 kho phụ trợ tại Bắc Ninh. Còn đại diện hệ thống BigC, Nguyễn Kim cho hay doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án cho việc nếu các tỉnh mà Hà Nội lấy nguồn hàng cũng xảy ra dịch bệnh, vì vậy đơn vị sẽ tìm thêm và ưu tiên thêm các nhà cung cấp trên địa bàn và tìm thêm các nhà cung cấp nhỏ hơn.

Hà Nội đang xây dựng 'luồng xanh' cho hàng hóa từ vùng sản xuất về hệ thống phân phối. Ảnh minh họa: Gia Huy

Luồng xanh cho hàng hóa nội đô, tự cung cấp hàng hóa

Để chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh phức tạp hơn, tại cuộc họp gần đây của UBND TP. Hà Nội về cung ứng hàng hóa cho Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã nêu lên vấn đề Hà Nội cần chuẩn bị kế hoạch tự cung, tự cấp hàng hóa ở mức cao nhất. Nhất là ở góc độ ngành nông nghiệp cần có tính toán tổ chức sản xuất trên tinh thần chủ động cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, ngành Nông nghiệp cần tính theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, 1 tháng hoặc từ giờ đến cuối năm rồi mới ổn định, vì vậy cần tính toán ở bối cảnh cách ly xã hội thì sản xuất sẽ đáp ứng được bao nhiêu cho người dân Thủ đô. Theo đó cần rà soát lại các vùng sản xuất, xác định lại mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương cũng cho rằng ngành nông nghiệp cần có chỉ đạo sản xuất, tăng nguồn cung sản xuất thực tế trên địa bàn thì sẽ đỡ phụ thuộc ảnh hưởng của các tỉnh, thành khác; tăng sản lượng rau củ quả, hoa quả tươi trên chính địa bàn. Đây là kịch bản cần sự chỉ đạo kịp thời của ngành nông nghiệp sát với thực tế của tình hình dịch...

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện hệ thống VinMart và VinMart cũng nêu kinh nghiệm của hệ thống tại TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp mong muốn ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung chú ý hơn đến việc khuyến khích các huyện ngoại thành chuyển đổi trồng những sản phẩm rau xanh, gia cầm, thịt cá để trước tiên là lo cho nhân dân Thủ đô trước khi trông chờ từ các tỉnh thành khác chuyển về.

Một vấn đề khác đặt ra là vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã giao Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án 'luồng xanh' cho hàng hóa trong nội đô.

'Luồng xanh' được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT về các vùng sản xuất và của Sở Công Thương về hệ thống phân phối (siêu thị, các chợ truyền thống, hệ thống bán lẻ...). Từ đó Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm hàng hóa thông suốt, không ách tắc.

Gia Huy

Top