Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra

10/06/2016 2:00 PM

(Chinhphu.vn) -Trong những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng nhiều theo chiều hướng cực đoan trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội. Do có địa bàn rộng, dân số đông, địa hình đa dạng, phức tạp, hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi nhiều, vì vậy công tác phòng, chống thiên tai đã được TP quan tâm và tập trung chỉ đạo.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tú Mai

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác hộ đê, phòng chống thiên tai tới các xã, phường, thị trấn ven đê năm 2016, diễn ra vào sáng 10/6.

Theo ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn TP từ đầu năm tính đến 31/5/2016 là 556.0 mm ( năm 2015 là 259.8mm). Cùng với đó là hiện tượng mưa rất to và dông lớn diễn ra vào đêm 24 ngày 25/5/2016, lượng mưa đo được từ 190.1-337.8mm. Đây là lượng mưa lớn nhất trong tháng 5 của 10 năm trở lại đây. Mưa lớn đã làm ùn tắc giao thông nhiều tuyến đường, ngập nước một số khu dân cư, sâu nước một số diện tích lúa, rau màu và thủy sản. Kèm theo đó là hiện tượng bất thường của thời tiết khi đầu năm nay, khu vực Hà Nội xảy ra rét đậm, rét hại tại khu vực núi Ba Vì có hiện tượng tuyết rơi.

Ngoài ra, với đặc điểm địa hình phức tạp, nhiều hệ thống đê điều, hồ đập, tổng số 626,124km đê được phân cấp, 96 hồ chứa nước các loại. Chính vì vậy,  để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai, bão mạnh, siêu bão gây ra, ông Hà Đức Trung cho rằng, các cấp các ngành phải chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Đối với các nhà ở tập thể, chung cư cao tầng đã xuống cấp, các khu nhà ở ngoài đê, sát bờ sông, vùng trũng thấp không đảm bảo an toàn cần có biện pháp tu sửa, nâng cấp, có biện pháp chằng chống nhà cửa, kịp thời sơ tán nhân dân khi có tình huống xảy ra.

Với diễn biến bất thường của thời tiết ( hiện tượng nắng nóng, dông lốc, ngập lụt...), cần có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng cho người, tài sản; biện pháp tránh nắng cho gia súc, gia cầm và bảo vệ sản xuất.

Trước những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý hồ chứa cũng như những biến đổi bất thường về khí hậu làm cho các tác động xấu này trầm trọng thêm, đặc biệt có thể dẫn đến nguy cơ làm mất an toàn, làm vỡ đập và gây ra thảm họa cho khu vực hạ du. Do đó cần chú trọng đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, an toàn hồ chứa, phối hợp tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Hai hồ Sơn La cùng với hồ Hòa Bình tham gia cắt giảm, điều tiết lũ cho Hà Nội nhưng hầu hết các sông của nước ta đều bắt nguồn từ Trung Quốc (2/3 lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc), vì vậy vẫn còn yếu tố bị động trong việc điều tiết, cắt giảm lũ. Ngoài ra, tình huống do dự báo chưa chính xác, khi đó các hồ chứa không những không cắt giảm được lũ mà phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình, làm tăng nguy cơ ngập lụt cho hạ du. Theo đó, cần phải tính đến các phương án để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với Thủ đô Hà Nội. Khi xảy ra úng ngập cần khoanh vùng bơm tiêu, ưu tiên tiêu cho khu vực nội thành, khu dân cư, khu công nghiệp.

Tú Mai

Top