Hàng Mã - Giữ lại nét ‘Phố Nghề’ Hà Nội

15/07/2019 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội với 76 phố cổ thì có 47 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, nhưng hiện nay nhiều “Phố hàng” đã mất dần sản phẩm đặc trưng vốn có, thay vào đó là các sản phẩm hoàn toàn mới để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Nhưng phố Hàng Mã hiện vẫn còn giữ được Phố nghề truyền thống, mang nét đặc trưng riêng làm nên tên phố và tạo nên nét độc đáo của Hà Nội.

* Ẩm thực Hà Thành-Sự hội tụ và tinh hoa văn hóa trăm miền

PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, những phố phường của Hà Nội gắn với hàng thủ công truyền thống là một nét đẹp lịch sử của văn hóa, văn minh đô thị. Bởi qua đó cho ta thấy được bề sâu lịch sử văn hóa, lịch sử đô thị Hà Nội. Nét đặc thù của đô thị Hà Nội xưa là sản xuất nông nghiệp kiêm thủ công nghiệp chứ không phải thời đại công nghiệp, vì vậy các phố phường xưa luôn gắn với “phố nghề”, mang nét đặc trưng rất riêng của đất kinh kỳ. Đây cũng chính là nền tảng, cơ tầng làm nên văn hóa Thăng Long-Hà Nội, là điểm đến và dừng chân của rất nhiều khách thăm quan, du lịch trong nước và quốc tế-điểm đến của hòa bình và lòng nhân ái.

Nhắc đến phố Hàng Mã, chắc không còn mấy ai xa lạ về một con phố còn giữ lại được nét xưa của “phố nghề” Hà Nội. Phố Hàng Mã thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Con phố này chạy từ ngã tư Hàng Đường đến phố Phùng Hưng dài 339m - là một trong những con phố buôn bán điển hình của Hà Nội xưa và nay.

Đây là một phố nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội với 36 phố phường. Từ xa xưa, Hàng Mã đã là một con phố có hoạt động kinh doanh, buôn bán đặc trưng, đặc sắc vô cùng. Đặc biệt, vào dịp Tết Trung Thu, hoạt động kinh doanh ở đây luôn đông đúc và nhộn nhịp tiếng người mua kẻ bán, gần như toàn bộ khu phố trở thành một chợ bán đồ chơi, đồ trang trí với đầy đủ các chủng loại. Từ kiểu đồ chơi truyền thống đến đồ chơi nhập ngoại, sản xuất trên các chất liệu hiện đại. Từ những chiếc chong chóng làm thô sơ bằng giấy màu và tre, đến những chiếc đèn lồng, mặt nạ, con thú rực rỡ sắc màu,… Phố Hàng Mã là con phố nhiều màu sắc nhất khu phố cổ Hà Nội, không thể lẫn vào đâu được.

Là một trong những con phố chuyên kinh doanh các mặt hàng truyền thống theo đúng với tên phố- mặt hàng mang tính chất tâm linh, để phục vụ cho người dân Hà Thành. Không chỉ dịp Tết Trung Thu mà các dịp Lễ - Tết khác trong năm, hoạt động kinh doanh buôn bán trên phố Hàng Mã cũng tấp nập người xe. Đặc biệt, đây là địa chỉ của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội. Khách hàng, khách du lịch nhiều nơi đổ về đây mua bán, ngắm cảnh ngày đông hơn khi về chiều và tối. Vào những dịp này, phố luôn mở hàng bày bán đến tận đêm muộn, ánh sáng tỏa ra từ bóng đèn hòa lẫn với ánh đèn lồng lấp lánh…chiếu sáng khắp con đường, làm nên nét rất riêng cho Hàng Mã.

Chị Lê Thị Hồng Vân, một người buôn bán trên phố Hàng Mã cho biết, cửa hàng của chị bán nhiều mặt hàng nhưng chủ yếu là đồ trang trí các dịp lễ, Tết, đồ chơi trẻ em… Theo chị Vân, hiện nay Hà Nội không còn mấy phố phường gắn với phố nghề như Hàng Mã, nên vì vậy, con phố này được xem là một con phố đặc trưng của “phố Nghề” Hà Nội xưa - nay.

Tấp nập, bận rộn trong những dịp lễ, Tết nhưng trong những ngày thường nhật, phố Hàng Mã lại trở về với đúng nhịp sống nhẹ nhàng, yên tĩnh của mình. Mặc dù tên phố là Hàng Mã nhưng hiện nay, việc buôn bán đồ vàng mã truyền thống đã mai một đi nhiều, hiện chỉ còn 14 cửa hàng buôn bán mặt hàng này. Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh đồ hàng mã, đồ chơi truyền thống cũng có khá nhiều cửa hàng buôn bán đồ chơi hiện đại như búp bê, người máy, ô tô, rô bốt,…

Phố Hàng Mã là một trong số ít phố nghề còn duy trì đúng với tên gọi. Ảnh: Thanglong.chinhphu.vn

Với đặc điểm chung của các phố nghề Thăng Long – Hà Nội là mang tính chất dòng họ rất cao, công cụ sản xuất thô sơ, hình thức truyền nghề trực tiếp và làm theo kinh nghiệm, ít thay đổi mẫu mã và ít sáng kiến cải tiến… Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với đó là sự thay đổi của xã hội, kinh tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân Hà Thành thì các phố nghề đã có sự biến đổi để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Có thể thấy, đến nay, đã có rất nhiều các con phố nghề mất đi các giá trị truyền thống vốn có theo tên gọi của khu phố như phố Hàng Cháo, Hàng Than, Hàng Vải… thì phố Hàng Mã hiện vẫn giữ được các mặt hàng buôn bán, tạo nên đặc trưng của con phố theo đúng tên gọi của nó. Đặc trưng kinh tế của phường Thăng Long – Kẻ Chợ là tính chuyên nghề, mỗi một phường sản xuất và bán một mặt hàng riêng biệt, tạo nên tính thuần nhất. Khác với các khu phố khác,  Phố Hàng Mã hiện nay, vẫn đang được bày bán với các mặt hàng về hàng mã theo đúng tên gọi của nó. Tuy các mặt hàng có nhiều sự thay đổi, nhưng về cơ bản thì vẫn giữ được nguyên vẹn yếu tố truyền thống của phố nghề.

Từ những năm đổi mới, phố nghề nói chung và phố Hàng Mã nói riêng đã ngày càng trở nên sầm uất hơn và có nhiều sự thay đổi trong các hoạt động kinh doanh. Sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh đã đem lại cho các chủ cửa hàng kinh doanh trên Phố Hàng Mã rất nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều những khó khăn. Nhất là trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phố Hàng Mã hay những phố nghề truyền thống khác đang phải đối diện với nhiều thách thức khi vừa duy trì, giữ lửa cho chất nghề vốn có đến việc thích nghi sự thay đổi không ngừng của xã hội.

Tuy nhiên, để vừa giữ được “nét riêng” trong rất nhiều “nét chung” của xã hội hiện đại, phố Hàng Mã rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền liên quan, để được hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn và vẫn giữ, phát huy được những giá trị truyền thống của một phố nghề.

Thiện Tâm - Diệp Anh

Top