Hãy quay lưng với thực phẩm bẩn để “cuộc chiến” đi vào hồi kết

26/05/2016 5:55 PM

(Chinhphu.vn)- Hiện nay, thực phẩm bẩn đang trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội. Dù việc phân công, phân cấp vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như từng địa phương đã được quy định cụ thể, rõ ràng, nhưng để bảo đảm ATTP phải có sự thay đổi rõ rệt từ chính ý thức của người sản xuất và sự quay lưng nói không với thực phẩm bẩn từ phía người tiêu dùng.

Các đại biểu tham gia đối thoại trực tuyến - Ảnh Đoàn Bắc

Nội dung trên được đưa ra tại chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Chống thực phẩm bẩn: “Cuộc chiến” bắt đầu từ cơ sở”, diễn ra vào chiều ngày 26/5.

Thực tế cho thấy, những nỗi lo ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi thường xuyên của những người đi chợ, đúng hơn là của từng gia đình. Đã có nhiều ý kiến về việc xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước, và thực tế là việc phân định rạch ròi trách nhiệm là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối chính là thực phẩm thiếu vệ sinh, không an toàn vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ bữa ăn của từng gia đình.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, việc phân công phân cấp quản lý nhà nước về ATTP đã tương đối rạch ròi. Bên cạnh đó, Bộ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã có thông tư liên tịch quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ và hoàn thiện chế tài cũng như đào tạo nguồn nhân lực để địa phương thực thi. Vì vậy, vấn đề quan trọng chính là việc thực thi pháp luật, giám sát, thanh, kiểm tra đối với kinh doanh thực phẩm chủ yếu nằm ở cấp địa phương.

Đối với Hà Nội, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường cho biết, ngành y tế Hà Nội đã được phân công rõ quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai, phụ gia thực phẩm… Theo đó, hàng năm Hà Nội tích cực triển khai thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm, vì vậy các cơ sở không đảm bảo ATTP cũng giảm đi rõ rệt.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội cho rằng, việc phân cấp quản lý VSATTP đã được Hà Nội triển khai xuống rất nhiều địa phương và được phân công rõ trách nhiệm, cụ thể. Là một địa phương có sức tiêu thụ lớn các loại nông-thủy sản, nên vấn đề bảo đảm ATTP đối với Hà Nội cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế Hà Nội chỉ cung cấp khoảng 46% thực phẩm, còn lại là nguồn cung từ các địa phương khác.

Vì vậy, để đảm bảo ATTP, Hà Nội đã xây dựng 59 chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có 32 chuỗi thực phẩm động vật và 27 chuỗi thực phẩm rau, củ… cùng các hệ thống của hàng TP sạch, siêu thị… Đồng thời thực hiện thí điểm xác nhận ATTP và công bố trên các kênh thông tin đại chúng. Ngoài ra các địa phương cũng thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, điển hình như thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ là một địa phương tiêu biểu.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch thị trấn Chúc Sơn cho biết, Chúc Sơn là địa phương có nghề trồng rau màu truyền thống. Trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn do tập quán sản xuất của người dân vẫn sử dụng phân bón chưa qua xử lý, hoặc dùng thuốc BVTV nhưng không biết liều lượng cho phép…

Chính vì vậy thị trấn Chúc Sơn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân, nói rõ tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón quá liều lượng… Bên cạnh đó còn tổ chức tuyên truyền, thực hiện vệ sinh môi trường đồng ruộng, mua chế phẩm sinh học, nilon… để phục vụ sản xuất rau an toàn.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, quán triệt đến đảng viên và nhân dân, kể cả các hộ chăn nuôi hoa màu nhỏ lẻ cũng đưa vào cuộc để thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn.

Chính nhờ cách làm bài bản và sự vào cuộc từ chính sự chân thành và lương tâm của người sản xuất nên đến nay Chúc sơn đã trở thành điểm sáng của Thủ đô trong sản xuất, cung cấp rau an toàn cho TP.

Như vậy có thể thấy, để đảm bảo ATTP và cung cấp được thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng thì trước hết, khâu sản xuất phải được bảo đảm và kiểm tra độ an toàn trước khi được lưu hành đến với người tiêu dùng. Nhưng thị trấn Chúc Sơn cùng với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vẫn chưa đủ để cung cấp thực phẩm sạch hàng ngày cho người dân Thủ đô.

Vì vậy việc đẩy mạnh và mở rộng sản xuất vùng thực phẩm sạch cũng như việc bắt tay liên kết sản xuất thực phẩm sạch với các địa phương là vô cùng quan trọng.

Được biết thời gian qua Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại và ký kết với nhiều địa phương để cung cấp thực phẩm sạch cho Hà Nội.

Song để đảm bảo ATTP cho chính bản thân thì theo ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, quyền của người tiêu dùng được quy định rất rõ, nhưng ngoài quyền luật định này thì người dân còn có quyền quay lưng lại với thực phẩm không an toàn.

“Khi thực phẩm bẩn không còn thị trường và khi chúng ta đồng lòng quay lưng lại với thực phẩm bẩn,tuyệt đối không sử dụng sản phẩm không an toàn thì thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống. Và khi đó, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn mới đi vào hồi kết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tú Mai

Top