Hội thảo khoa học "Văn Miếu-Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam"

26/11/2019 7:11 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng nay 26/11, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức “Hội thảo khoa họcVăn Miếu - Quốc Tử Giám và Giáo dục Nho học Việt Nam.

Với 23 tham luận của các nhà khoa học, đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu, Hội thảo đã tập trung vào chủ đề: Lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò và vị thế của trường Quốc học và Truyền thống giáo dục khoa cử của các vùng văn hóa.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đã làm rõ hơn những giá trị văn hóa của giáo dục Nho học trong lịch sử Việt Nam cũng như dấu ấn còn lưu lại trong đời sống hôm nay. Đồng thời, từ những bài học kinh nghiệm của lịch sử, từ kết quả của một nền giáo dục hướng cho con người tới “Thành đức”, “Đạt tài” và tinh thần phụng sự cho Tổ quốc, quán chiếu vào nền giáo dục thực tại, tìm ra những phương thức cho giáo dục, một nền giáo dục của dân tộc, nhân văn, hiện đại, sáng tạo, làm nền tảng, nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, phụng sự để xây dựng đất nước phát triển bền vững, chung sống cùng các dân tộc khác trong một thế giới đầy biến động hiện nay.

Tháng Tám năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (năm 1070), Văn Miếu được xây dựng tại kinh thành Thăng Long để thờ Khổng Tử và nơi Hoàng Thái tử đến học. Đến năm Bính Thìn niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (năm 1076) lập Quốc Tử Giám sát gần Văn Miếu để làm nhà học, đồng thời “tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó.

Hơn 700 năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tồn tại song hành, gắn bó chặt chẽ với nhau, là đỉnh cao và trở thành biểu tượng của nền giáo dục khoa cử Việt Nam. Nơi đây đã chứng kiến và lưu dấu chặng đường phát triển của giáo dục Đại Việt. Từ giai đoạn đỉnh cao khi Nho học ở thời kỳ phát triển rực rỡ cho đến những ngày tường in dấu rêu phong, sân thưa vắng bóng người trong thời suy vi của chế độ quân chủ.

Từ khi là Văn Miếu, Quốc Tử Giám của chốn kinh đô - trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của Nhà nước đến khi chỉ là Văn Miếu Bắc thành, trường học của một Phủ Hoài Đức. Và ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa, nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các học sinh sinh viên về tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của cha ông ta. Cho dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn lưu giữ trong mình tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học và niềm tự hào về một biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám khẳng định, gắn liền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam, không thể không nhắc tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Minh Anh

Top