Hồi ức Xuân Hà Nội

09/02/2016 1:08 PM

(Chinhphu.vn) - Với người Hà Nội, ngày Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình, không chỉ là giây phút nhớ về ông bà tổ tiên, không chỉ là khởi đầu một năm mới với nhiều ước vọng.

Với người Hà Nội, ngày Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình, không chỉ là giây phút nhớ về ông bà tổ tiên, không chỉ là khởi đầu một năm mới với nhiều ước vọng. Ngoài ăn Tết, chơi Tết, cư dân đất ngàn năm văn hiến còn có thú vui thưởng thức Tết hết sức tao nhã, không kém phần cầu kì, công phu mà cũng đầy tinh tế.

1. Không hiểu sao, những ngày giáp Tết, khi bắt gặp những chiếc xe đạp chở đầy một xe hoa nhựa, hoa nilon sặc sỡ sắc màu trên phố, tôi lại nao nao nhớ cái Tết một thuở. Thuở nghèo. Nhà nhà có mấy bông hoa nhựa cả năm gói bọc trong giấy báo, giấy nilon cất kỹ giờ được mang ra, rửa ráy lau chùi cho sáng bóng và cắm và chiếc lọ quanh năm cũng cất kỹ nơi góc tủ, góc nhà… Mấy bức tranh Hàng Trống cả năm cuộn lại gác trên bậu cửa, giờ cũng được mang xuống, vuốt trải phẳng phiu để treo lên cho sáng bừng nhà cửa…

Tết, với nhiều gia đình, bắt đầu bằng việc như thế. Còn bây giờ, mặc dù Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác quanh năm có hoa tươi các loại, hoa nhập ngoại cũng nhiều, vậy nhưng những người bán hoa giả rực rỡ sắc màu vẫn len lỏi trong gió bấc tháng Chạp, như mang đến một thông điệp tất niên. Thông điệp ấy đánh động những hồi ức xuân một thuở, như đã ngủ yên đâu đó trong lòng. Chỉ có dòng tranh Hàng Trống vang danh một thời thì nay có vẻ chìm khuất. Cả Hà Nội giờ cũng chỉ còn duy nhất một gia đình giữ nghề, đó là nghệ nhân Lê Ðình Nghiên, ở phố Cửa Ðông…

Cuối năm rét mướt, những lẵng hoa đầy màu sắc làm các con đường ấm lên kỳ lạ, dấy lên trong lòng người những cảm thức xôn xao về Tết. Như được phất hiệu lệnh, phố Hàm Long cũng nhộn nhịp vào mùa. Kèm theo đó là những lọ, những bình, những đôn, những chậu chuẩn bị sẵn cho sự trang hoàng nhà cửa đón Tết. Sau đó là đến các cửa hàng, cửa hiệu bắt đầu chăng biển cùng tầng lớp các loại bánh mứt kẹo đủ màu sắc, kiểu dáng khiến lòng người càng rạo rực hơn nữa, cảm giác Tết về gần lắm, sát lắm rồi.

Ðón Tết đầu tiên có lẽ phải kể đến các bạn trẻ. Ngay từ khi vườn đào, vườn quất mạn Long Biên, Quảng Bá ngời lên sắc đỏ, sắc vàng, từng tốp từng tốp đã hồ hởi kéo về đây để chụp ảnh. Vườn hoa Tây Tựu, Mê Linh cũng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết khi những loài hoa đặc trưng của mùa xuân như thược dược, violet, cúc vàng, cúc chi, giơn đội rét e ấp nụ cành chờ Tết đến. Chẳng riêng gì người nông dân trồng hoa, ai nấy đều gấp gáp vội vàng như bị những tờ lịch giục giã, hoàn thành nốt những công việc dở dang để đón năm mới.

Nhắc đến thược dược và violet không ít người lại rộn lên trong lòng một cảm giác về một không gian chiều 30 thiêng liêng, quyện trong hương trầm. Phải, cái loài hoa tím mong manh cắm cùng những bông thược dược đỏ sậm ấy, đã dệt lên ký ức xuân xưa của Hà Nội, để ngày nay, nhiều người vẫn hoài nhớ, vẫn thấy thân thương khi đứng cạnh những luống hoa gọi xuân về. Cũng bởi những nhớ thương xưa cũ ấy, mà năm nào, hồ Gươm cũng được trồng cấy violet và thược dược. Trong làn mưa mỏng manh mùa xuân, sao cầm lòng được khi thấy những cánh hoa khoe sức, sao thôi thương nhớ về những ký ức Tết đã trôi qua trong đời…

2. Càng về cuối năm, cái rét càng đậm hơn, nhưng từng cành đào nho nhỏ đã theo chân những cô, những chị hàng rong len lỏi khắp phố để những ai ăn Tết sớm mua về trưng bày trong nhà, thầm đợi mùa xuân đến. Tuy vậy, phải bắt đầu từ sau 23 tháng Chạp, khi ông Táo đã lên chầu Trời, mọi việc như được tổng kết "Trở ra Một, Chạp chính công hoàn thành", ai buôn cứ buôn, ai bán cứ bán, người Hà Nội đã bắt đầu chơi Tết. Chợ hoa Hàng Lược đã bắt đầu cấm đường, trưng hoa để dòng người đi bộ đổ về, ngắm nghía, bình phẩm, trầm trồ. Chợ hoa Hàng Lược không chỉ là một phiên chợ Tết truyền thống được gìn giữ qua nhiều năm tháng của Hà Nội mà còn là một "điểm hẹn" chơi xuân không thể thiếu với người Thủ đô. Cái cảm giác chen chúc trong dòng người, giữa hàng lối chất ngất nào đào nào quất, nào cúc nào lan, nào violet, thược dược, nào mai trắng, mai vàng... muôn hồng nghìn tía thật xôn xao náo nức, cứ như mở cờ trong bụng.

Song, hãy còn sớm lắm. Nhiều người Hà Nội chưa mua đồ trưng Tết vội. Ngắm hoa xong, không hẹn mà gặp, phải kéo về phố Hàng Mã. Có người chọn mua bao lì xì và các thứ trang trí trong nhà ngày Tết, song, không kém phần đông đảo là chợ đồ cổ phố Hàng Mã. Ðã thành thông lệ, cứ sau 20 tháng Chạp đổ đi, chợ tự phát họp. Ðủ thứ từ chân đèn, lư hương đến bình vò chum vại, bình phong, câu đối, máy đánh chữ... Tất cả đều mang đậm dấu ấn thời gian. Người ngắm, người xem, người hỏi han, người giảng giải, ta, tây, người lớn, trẻ con, ông bà già, thiếu nữ, thanh niên, đủ cả. Dường như không mấy ai quan tâm đến việc đó là đồ cổ thật hay giả, mà chỉ mua với giá cả phải chăng để làm kỉ niệm, biếu hoặc tặng bạn bè, người thân. Cái màu sắc cổ của phiên chợ đồ cổ ấy như kéo thời gian về một thời điểm nào xa lắm, để cả người bán lẫn người mua, người xem được mang chút tâm trạng hoài niệm trong phiên chợ độc đáo một năm chỉ có một lần này.

3. Chơi Tết không có nghĩa chỉ là thưởng thức, mà còn là lo toan, sắm sửa sao cho ngày Tết của nhà mình có đầy đủ những thức đậm hương vị Tết. Với người Hà Nội, trên khay bánh kẹo đầu xuân đón khách không thể thiếu vị chua chua ngòn ngọt đượm vị cổ truyền của ô mai Hàng Ðường. Vì thế, những ngày áp Tết, khắp con phố gắn tên mình nhiều thế kỉ với nguyên liệu để làm ra ô mai ấy lúc nào cũng tấp nập người bán mua. Phố xuất phát từ một con đê có từ trước thế kỷ 15. Trong trí nhớ của nhiều người, ngày trước hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Ðường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Quãng những năm 50 của thế kỷ trước, một trong những món quà mà những người ở xa mỗi khi có dịp ra Hà Nội bao giờ cũng mua những quả ô mai chua chua, mằn mặn trên phố Hàng Ðường. Thức quà rẻ tiền nhưng lại được con trẻ đặc biệt thích thú giữa thời kỳ cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bây giờ, ô mai không còn rẻ tiền nữa, thậm chí có những món rất đắt nhưng nó là món dùng không thể thiếu khi mang biếu tặng người phương xa và với người Hà Nội mỗi khi Tết đến. Ở đây có nhiều cửa hàng bán món ăn thơm thảo của người Hà Nội: Thanh Giang, Gia Thịnh, Ðại Lộc, Hồng Lam... Nổi nhất phải kể đến cửa hàng ô mai Tiến Thịnh ở số 21 Hàng Ðường. Ðịa chỉ thứ hai nằm bên số chẵn, nhỏ bé khiêm nhường khách nơi xa đi qua ít khi để ý, đó là cửa hiệu Gia Lợi nằm ở số 8 phố Hàng Ðường. Ai đã đến đây một lần sẽ cảm thấy thật sự thú vị. Bên cạnh vị ô mai Gia Lợi có nhiều nét khác biệt so với các cửa hiệu khác, điều hấp dẫn nữa bởi ông Bùi Văn Hưng - chủ cửa hiệu hiện nay là người cực kỳ khéo tay. Ông thường xuyên sắp xếp đặc sản ô mai thành hình những con cua, con kiến, con voi, con lợn, chuồn chuồn, con khỉ… rất ngộ nghĩnh, bắt mắt.

Dù bây giờ vào bất cứ siêu thị nào cũng có thể tìm được những hộp ô mai đẹp mắt, nhưng với người sành ăn, kỹ tính hoặc những người sống lâu năm ở Hà Nội, phải là ô mai Hàng Ðường mới khiến họ hài lòng. Vì thế, xuân về Tết đến, họ thường tìm về phố cổ này để mua cho gia đình, mua làm quà gửi cho con cháu, người thân phương xa chút hương vị xuân của Hà Nội.

4. Rời xa khu phố cổ với các chợ truyền thống, hãy ra mạn Âu Cơ, xem dọc mấy cây số, đào Tây Bắc, đào rừng đã đổ bộ về đây, kiêu hãnh khoe vẻ đẹp núi rừng với đầy vết rêu và địa y làm nên vẻ hoang sơ, xù xì, mốc thếch của mình. Ðào phai có cái đẹp mong manh lại nhiều nét truyền thống. Nhất là trong thời tiết giá lạnh se sắt, trong mưa bụi lây rây, những lộc xanh nhú lên ánh ngời càng mang đến cho lòng người sự ấm áp, hi vọng. Từng cành đào, gốc đào "khổng lồ" tạo dáng, hút mắt người xem, nhất là những cành có thế lạ, nhiều hoa, nhiều lộc và nụ. Người nào chọn được cành ưng ý, thỏa thuận giá cả xong phải vội vàng thuê người chở về nhà ngay trong sự tiếc nuối, ngậm ngùi của những người chậm chân.

Ven sông Hồng, vườn đào vườn quất bây giờ đa phần là những người già, người trung tuổi, đến tận nơi để thưởng thức không khí xuân, cũng là để chọn cho mình thứ cây thích hợp về chơi và cho, biếu người thân. Thật khéo khi giữa lối đi đầy đất phù sa, một bên là vườn đào quất ngát hương, bên kia, sát mép nước là những cửa hàng lộ thiên bán đầy chậu cảnh, đôn, lọ hoa, bình sứ, bát hương và rất nhiều đồ sành sứ khác. Người mua được quất, được đào thể nào cũng phải chọn bằng được những thứ để trồng, đựng trong nhà cho sang, cho đẹp. Ở đây, có một vườn đào Thất thốn xưa chỉ dành cho bậc vua chúa và những người giàu sang thưởng lãm. Bây giờ, vẫn có người dành cả đời để chăm sóc những gốc đào Thất thốn, cho bừng hoa đúng dịp Tết, dâng cho người Hà Nội thưởng lãm vẻ đẹp vừa xù xì của thân cành vừa rực rỡ đỏ au trong mỗi cánh hoa. Với những người nhớ Tết xưa Hà Nội, chơi một chậu đào Thất thốn là đủ một cái Tết.

Bây giờ thì Tết đã cận kề rồi. Các cụ già phố cổ nhìn trời, nghe thời tiết, đã chắc chắn mấy giò thủy tiên của mình sẽ nở đúng đêm giao thừa, mang đến niềm vui, sự may mắn, hanh thông cả năm. Suốt mấy tháng trời phơi củ, tỉa cành, trồng trọt chăm sóc với những bí quyết và sự kỳ công ra sao, chỉ các cụ biết. Tất nhiên, người già sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho con cháu, song, lớp trẻ khó lòng mà tỉ mỉ, kỳ công được như các cụ, vì thế, thủy tiên vẫn là thứ hoa "độc quyền" cho người lớn tuổi, sang trọng và tinh tế.

Và nhiều cụ ông vẫn lững thững đi tìm những ông đồ xưa, xin một chữ về treo trong nhà, như một điều nhắc nhở cháu con khi mùa xuân đã gõ cửa…

Theo KTĐT

Top