Hướng đến một thị trường lao động phát triển bền vững

19/06/2021 11:08 AM

(Chinhphu.vn) – Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thị trường lao động Hà Nội từ đầu tháng 5 đến nay vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các công ty tuyển dụng lao động bằng hình thức online. Ảnh: Minh Anh

Ngay từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4, thành phố Hà Nội đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, khoanh vùng nhanh gọn, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời, nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động được Thành phố quan tâm thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động để vừa phòng chống dịch, vừa giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp thay vì cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm,…như những đợt dịch trước, thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động, tận dụng cơ hội kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới.

Nhu cầu nhân lực gia tăng theo hướng lao động có trình độ

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu nhân lực trong tháng 5 vừa qua và những tuần đầu tháng 6 tiếp tục theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề tập trung ở các lĩnh vực: Công nghệ, công nghiệp, ngân hàng, ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Theo các số liệu thống kê khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về nhu cầu tuyển dụng tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao ở các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, viễn thông. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng 629 chỉ tiêu, tăng 243 chỉ tiêu so với tháng 4; Công ty Cổ phần viễn thông FPT có nhu cầu tuyển dụng 227 chỉ tiêu, tất cả đều tập trung ở vị trí nhân viên văn phòng như bán hàng, nhân viên kinh doanh và chuyên viên nghiệp vụ như lập trình viên, kỹ sư phần mềm…

Với ngành Ngân hàng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở vị trí nhân viên và chuyên viên. Trong tháng 5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn có nhu cầu tuyển dụng 44 chỉ tiêu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng có nhu cầu tuyển dụng 315 chỉ tiêu, tập trung vào vị trí chuyên viên nghiệp vụ và văn phòng, hành chính.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp, trong tháng 5, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn với 356 chỉ tiêu, tăng 132 chỉ tiêu so với tháng 4 tập trung vào vị trí nhân viên hành chính văn phòng và dịch vụ, bán hàng.

Các đánh giá trên đây được Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội đưa ra sau khi tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong tháng 5 nhằm cung ứng thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp cho người lao động. Chiếm đa số trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát là nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm 93,64%, doanh nghiệp FDI, chiếm 5,18%. Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khác, chiếm 54,84%; tiếp đến là nhóm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chiếm 23,39%; gia công, lắp ráp hàng hóa chiếm 5,64%.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (dưới 200 lao động) với 94,43%, nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn (trên 200 lao động) chiếm 5,57% số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Một số vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là nhân viên văn phòng, chiếm 44,88%, thợ các loại và lao động giản đơn lần lượt chiếm tỷ trọng lần lượt là 22,44% và 18,9%. Mức lương các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho người lao động ở vị trí nhân viên văn phòng, thợ và lao động giản đơn chủ yếu ở mức 7 triệu đến 9 triệu đồng/tháng (chiếm 88,89%). Đối với vị trí quản lý/chuyên viên, mức lương doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều nhất ở mức 13 đến 15 triệu (chiếm 28,57%).

Người lao động đa số có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm 83,78%. Ảnh: Minh Anh

Người lao động chủ yếu có nhu cầu tìm việc tại các DN ngoài nhà nước

Theo số liệu thu thập thông tin người tìm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong tháng 5/2021, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm chủ yếu nằm trong nhóm tuổi từ 15 tuổi-29 tuổi (chiếm 45,28%), tiếp theo là nhóm từ 30 tuổi-39 tuổi (chiếm 43,16%), từ 40 tuổi trở lên chiếm hơn 10%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tập trung chủ yếu ở nhóm có trình độ từ Cao đẳng trở lên, chiếm 54,59%; không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 56,41%; công nhân kỹ thuật không có chứng chỉ nghề chiếm 24,36 %; Trung cấp nghề chiếm 13,25% và Sơ cấp nghề chiếm 5,98% .

Người lao động đa số có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm 83,78%; tiếp theo là doanh nghiệp FDI, chiếm 11,49%. Trong tổng số NLĐ được khảo sát, có 22,19% người lao động mong muốn được làm việc trong các hoạt động thương nghiệp; 18,44% mong muốn làm việc trong các hoạt động công nghiệp ở các vị trí nhân viên văn phòng (chiếm 38,71%), chuyên viên nghiệp vụ (chiếm 25,81%), thợ các loại (chiếm 20,43%),...

Mức lương trung bình mà người tìm việc mong muốn được nhận chủ yếu là trong khoảng từ 7 triệu đến 9 triệu đồng/tháng, chiếm 33,33%, từ 9 triệu đến 11 triệu đồng/tháng, chiếm 23,01%.

Số người đến đăng ký hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tháng 5/2021 tăng 1.846 người so với tháng 4/2021. Một số công ty có người lao động từng làm việc đến đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm nhiều trong tháng: Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce, Long Biên (65 người).  Công ty Cổ phần Vinhomes, Hai Bà Trưng (71 người), Công ty TNHH Elentec Việt Nam, Mê Linh (47 người), Công ty Cổ phần thời trang phát triển cao, Thạch Thất (49 người), Công ty Cổ phần may Sơn Hà, Sơn Tây (37 người).

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, 5 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ 2020, trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26,2 nghìn lao động.

Thị trường lao động sẽ sớm phục hồi nếu dịch bệnh được kiểm soát

Nhận định về thị trường lao động trong thời gian tới, sẽ tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Theo đó, nếu dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như vận tải, du lịch sẽ dần được phục hồi. Thị trường lao động cũng dần ấm lên, nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hạn chế được tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.

Nếu xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản thư nhất là kiểm soát được dịch bệnh. Dự báo số lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch là các lao động thuộc các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, vận tải, du lịch.

Trong kịch bản nếu những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng. Đặc biệt xuất hiện các ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện, các ngành kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh, một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: Thương mại- Dịch vụ, Bán lẻ, Vận tải, Nhà hàng-khách sạn, Dịch vụ lưu trú và ăn uống thì thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức,…Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ tăng cao, dự kiến sẽ lên tới khoảng 10 nghìn-12 nghìn lao động. Dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60%-70%.

Phó Giám độc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh và các chỉ đạo của Thành phố và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu, đồng thời tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook,... Tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng BHTN, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch. 

Các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện các kế hoạch để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp tham gia vào thị trường lao động. và thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.

Để hướng đến một thị trường lao động phát triển bền vững, ngày 8-6-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%-80%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%-60% vào năm 2025 và đạt trên 60% vào năm 2030 (mỗi năm đào tạo nghề cho 230.000 lượt người; giải quyết việc làm cho ít nhất 160.000 người); tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...

Hà Nội đã đưa ra giải pháp trọng tâm là hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động... Trong đó phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động theo sát nhu cầu của thị trường việc làm.

Minh Anh

 

Top