Kết nối đồng bộ các tuyến đường dọc sông Hồng

11/05/2016 12:55 PM

(Chinhphu.vn)- UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 112/TB-UBND truyền đạt Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp về “Phương án hướng tuyến, các mục tiêu yêu cầu của quy hoạch tuyến đường dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì, bờ trái, bờ phải sông Hồng”.

Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng - Ảnh internet

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Đồ án Phương án hướng tuyến đầu tư xây dựng tuyến đường phải thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, hỗ trợ và sẵn sàng tạo nguồn lực tài chính để thực hiện theo quy hoạch.

Tạo điều kiện chỉnh trang, cải tạo, xây dựng mới khu dân cư hiện có đang sinh sống tại khu vực ven đê để đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội: trường học, y tế, vườn hoa, cây xanh, trạm tuần tra an ninh, xử lý môi trường,... nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Bên cạnh đó cần quản lý, chống lấn chiếm diện tích đất khu vực tuyến đê hai bên sông, đồng thời, góp phần định hình việc quản lý và bảo vệ hành lang thoát lũ, bảo vệ bờ sông tránh xói lở và dịch chuyển dòng.

Tạo ra các quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực cho Thành phố phát triển cơ sở hạ tầng.

Xây dựng khu đô thị bên sông, cận đô thị lõi hiện tại để tạo vị thế và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong công cuộc hiện đại hóa.

Đảm bảo kết nối đồng bộ và phân bổ giao thông giữa các đường trục kết nối giữa các đô thị tại khu vực đầu cầu với các cầu qua sông Hồng, giảm ùn tắc giao thông, từng bước hoàn thiện quy hoạch đô thị bên sông.

Căn cứ Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Chủ tịch TP yêu cầu nghiên cứu đường dọc sông được xây dựng theo 2 bờ sông Hồng dọc đường đê hiện tại để phục vụ giao thông và kết hợp làm đê phòng chống lũ. Kết hợp thiết kế tuyến đường với quy hoạch phát triển đô thị bên sông, tạo ra bộ mặt mới cho khu vực bên sông, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời nghiên cứu xây dựng tuyến đê mới gắn với đường giao thông, thiết kế đảm bảo an toàn, chất lượng, bền vững, thẩm mỹ, nâng cao công năng sử dụng (tạo cảnh quan thảm cỏ, cây xanh, khu vui chơi ngoài trời, ...), kết nối là đô thị bên sông, phát triển đồng bộ.

Trong đó, lưu ý nghiên cứu phát triển đô thị sinh thái bên sông với mật độ đã được Thủ tướng Chính phủ quy định (15%). Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại các bãi nổi, du lịch bên sông và quảng bá du lịch sông Hồng.

Gắn quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống trong quá trình nghiên cứu quy hoạch tuyến đường, quy hoạch đô thị bên sông, góp phần định hình việc quản lý và bảo vệ hành lang thoát lũ, phương án thoát lũ cho nội đô. 

Theo Chủ tịch TP, việc nghiên cứu Đồ án phải tổng hợp chặt chẽ các số liệu liên quan đến thủy lợi, khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy khi các công trình thủy điện tại phía Bắc đi vào hoạt động, ... từ đó phân tích, đánh giá, dự báo nghiêm túc để đảm bảo về công tác thủy lợi, đê điều, hành lang thoát lũ.

Chủ tịch TP giao Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, là cơ quan đầu mối nghiên cứu phương thức triển khai, lựa chọn Tư vấn (trong nước, nước ngoài) đủ năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu thực hiện Đồ án.

Bảo Khánh

Top