Khẳng định vai trò trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục Thủ đô

04/12/2021 6:40 PM

Bài 1: Linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và phát triển trường chất lượng cao (Chinhphu.vn) - Xây dựng và phát triển trường chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện Luật Thủ đô và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Để chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên và tạo sự khác biệt vượt trội so với các trường công lập trên địa bàn, các trường chất lượng cao của Hà Nội đã không ngừng sáng tạo, linh hoạt và củng cố, phát triển hệ thống giáo dục ngày càng hiệu quả; thể hiện rõ nét qua kết quả dạy và học của nhà trường.

Xây dựng và phát triển trường chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Ảnh: Minh Anh

Áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới

Trên địa bàn Hà Nội, mỗi nhà trường đã xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phù hợp thể hiện rõ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của nhà trường, bước đầu tạo được thương hiệu riêng đáp ứng chương trình bổ sung nâng cao theo quyết định số 21/2013/QĐ-UBND của Thành phố.

Hầu hết các trường đã tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, áp dụng phương pháp dạy học của Trường liên LHQ quốc tế UNIS, Steam.. chú trọng phát triển năng lực cho học sinh, các em được làm quen với tiếng Anh, tiếp cận công nghệ thông tin và kỹ năng sống. Nhờ đó, trẻ khỏe mạnh, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức và kỹ năng phù hợp độ tuổi. Chất lượng giảng dạy và các dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của cha mẹ các em, được cha mẹ học sinh đánh giá tốt và hài lòng, uy tín các nhà trường từng bước được khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết đối với các trường mầm non chất lượng cao, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ vượt trội hơn so với các trường công lập trên địa bàn Thành phố.

Với các trường chất lượng cao cấp tiểu học và trung học, chương trình giảng dạy có nhiều ưu thế hơn các trường công lập trên địa bàn. Ngoài việc đảm bảo chương trình dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường chất lượng cao thực hiện chương trình bổ sung nâng cao với các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực và phù hợp với khả năng phát triển của học sinh. Đồng thời bổ sung chương trình dạy tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài; tổ chức lớp song ngữ môn toán và môn khoa học cơ bản; thực hiện chương trình giao lưu học sinh với các trường trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống phù hợp với nguyện vọng của học sinh, đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện…

Theo ông Trần Thế Cương, để chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên và tạo sự khác biệt vượt trội với các trường công lập trên địa bàn, chương trình nhà trường của các trường chất lượng cao được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất. Chương trình nhà trường không ngừng được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và bắt kịp với những tiêu chuẩn quốc tế.

Việc đổi mới chương trình nhà trường là điều kiện để có thể đa dạng hóa các hoạt động giáo dục cũng như giúp các nhà giáo có cơ hội để sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Ngoài ra cũng cung cấp cho học sinh những kỹ năng quan trọng, cần thiết của công dân hiện đại, đó là tin học và ngoại ngữ.

Chẳng hạn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) đẩy mạnh chương trình ngoại ngữ cam kết đầu ra tối thiểu đạt trình độ B1, B2 theo khung ngoại ngữ 6 bậc của châu Âu. Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, nhà trường tổ chức cho học sinh dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế TOEFL - ITP hoặc IELTS, số lượng, chất lượng học sinh đạt yêu cầu ngày càng tăng lên.

Bước đột phá trong chương trình giảng dạy

Thời gian qua, các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội đã tạo bước đột phá mới khi chủ động xây dựng bộ chương trình nhà trường linh hoạt dựa trên bộ chương trình của Bộ GD&DT với chương trình tăng cường nâng cao theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tích hợp liên môn, dạy học dự án, dạy học qua chủ đề… Các trường tích cực và chủ động đưa chương trình tiếng Anh Cambridge vào giảng dạy và mạnh dạn cam kết đầu ra với phụ huynh. Theo đó, học sinh sau 4 năm học tại trường sẽ đạt trình độ B1 theo khung chuẩn châu Âu và 50% học sinh đạt trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên.

Bên cạnh đó, học sinh cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin và cam kết chuẩn đầu ra bằng chứng chỉ tin học quốc tế MOS do Microsoft cấp.

Các trường chất lượng cao hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh giao lưu tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Australia, Mỹ.  Điều đặc biệt của các chuyến đi là các con không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm môi trường giáo dục ở các trường quốc tế tại các nước như Trường quốc tế Okianawa (Nhật Bản), Trường Bunlay, Wespring (Singapore), Trường Mout Waveley (Australia) hay tham gia trại hè quốc tế tại Singgapore và Lutheridge Summer Camp (Mỹ). Học sinh được giao lưu với sinh viên các trường đại học trong nước như Đại học RMIT, Đại học BUV, Đại học FPT, Đại học Thăng Long, Học viện thiết kế thời trang London…

Các nhà trường xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trên cơ sở các nội dung kiến thức đơn môn hoặc liên môn. Tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật giúp học sinh có những sân chơi bổ ích, phát triển được các sở trường, năng khiếu của học sinh. Tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội…..

Đặc biệt, 100% cán bộ quản lý của các nhà trường đều đạt trình độ trên chuẩn (trong đó có nhiều người có trình độ tiến sĩ). Các cán bộ quản lý đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố tặng bằng khen. Trình độ đội ngũ giáo viên của các trường chất lượng cao so với các trường công lập có điều kiện tương ứng trên địa bàn có nhiều tiêu chí vượt trội hơn: Cán bộ quản lý và giáo viên các trường chất lượng cao 100% có trình độ đào tạo đạt và trên chuẩn, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ tiến sĩ, nhiều trường có tỷ lệ trên chuẩn trên 80% (Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa, THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, Tiểu học đô thị Sài Đồng - quận Long Biên, các trường mầm non chất lượng cao ...).

Ngoài ra, các trường còn thực hiện chương trình giảng dạy chất lượng cao ở các bộ môn, chương trình dạy tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài, tổ chức lớp song ngữ một số môn khoa học cơ bản. Vì vậy hằng năm, các trường tổ chức liên kết mời các giảng viên, các chuyên gia có uy tín đang giảng dạy tại các trường chuyên và trường đại học có uy tín tham gia giảng dạy chuyên đề các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh, Văn, Sử, Địa... Đồng thời mời chuyên gia là giáo viên người bản ngữ rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh; đặc biệt các trường mời chuyên gia và có đội ngũ giáo viên của trường dạy toán, các môn khoa học bằng tiếng Anh... "So với các trường công lập trên địa bàn thì đây được xem là điểm mạnh, ưu thế của các trường chất lượng cao"- ông Trần Thế Cương cho biết thêm.

Nhờ vậy, trong những năm qua, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh các trường chất lượng cao ngày càng được nâng lên, khẳng định chất lượng, uy tín của nhà trường và của mô hình chất lượng cao. Đây cũng là thế mạnh và điểm khác biệt của trường chất lượng cao so với trường công lập.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trường chất lượng cao ngoài việc đáp ứng các tiêu chí tương đương trường chuẩn quốc gia mức độ 2 của Bộ GD&ĐT, trường còn phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định số 20/2013/UBND ngày 24/6/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; Quyết định số 21/2013/UBND ngày 24/6/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao.

Xây dựng và phát triển trường chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô, góp phần thực hiện Luật Thủ đô và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các trường chất lượng cao có vai trò làm nòng cốt cho toàn hệ thống giáo dục của Thành phố, có khả năng tham gia cạnh tranh cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao để tạo ra sản phẩm giáo dục đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho nhân dân Thủ đô có nhiều lựa chọn trường học cho con em mình.

Minh Anh

(Bài 2: Xây dựng trường chất lượng cao làm nòng cốt của ngành giáo dục Thủ đô)

Top