Khoảng 2,5 triệu trẻ sẽ chết vì bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm vaccine

03/11/2015 5:07 PM

(Chinhphu.vn) - “Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ”, PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.

 

Ảnh minh họa

Theo PGS .TS. Trần Như Dương, việc tiêm chủng chính là sử dụng vaccine nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Ông Dương cho hay, đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.

Vì thế, ông Dương khẳng định: “Vaccine và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho nhân loại”.

Theo thống kê, khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh, không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vaccine, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm.

Vaccine và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vaccine phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung…

Bên cạnh đó, vaccine còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

PGS .TS. Trần Như Dương đặc biệt nhấn mạnh, nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản…cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ.

Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.

Tú Mai

Top