Lấy lại vị thế cho nông sản Hà Nội

06/06/2016 11:52 AM

(Chinhphu.vn) - Khảo sát tại các siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tỷ lệ hàng nông sản do nông dân ngoại thành sản xuất được bày bán trên thị trường còn khiêm tốn.

Thu hoạch cam tại xã Kim An, Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt/Báo HNM

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay mới chỉ có khoảng 40% sản phẩm nông sản cung ứng cho thị trường Thủ đô, số còn lại đều phải nhập từ các tỉnh, thành phố và nhiều nước khác. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm lấy lại vị thế cho nông sản Hà Nội.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến gia cầm Trường Anh: Mỗi năm, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán, có khoảng 4 triệu con gà đồi Yên Thế được xuất bán đi các tỉnh, trong đó chủ yếu là thị trường Hà Nội. Cùng với đó, "cơn sốt" gà Đông Tảo cuối năm của dân Hà Nội đã phần nào khẳng định vị thế của các sản phẩm trên đối với người tiêu dùng Thủ đô. Trong khi đó, Hà Nội không thiếu sản phẩm chất lượng như gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây… Tuy vậy, tiếc là "đặc sản" gà Hà Nội mới chỉ quanh quẩn tại xóm, làng, chợ bán lẻ, số "chen chân" được vào siêu thị, nhà hàng rất nhỏ.

Không chỉ riêng sản phẩm gà, những nông sản tiềm năng như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, các loại rau, thủy sản… Hà Nội cũng rơi vào cảnh thất thế ngay trên "sân nhà". Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - doanh nghiệp quản lý mạng lưới siêu thị Fivimart cho biết: Tại thị trường Hà Nội, hầu hết các quận, huyện đều có siêu thị Fivimart và mỗi ngày tiêu thụ lượng nông sản rất lớn. Tuy nhiên đa số rau, trái cây, thịt trong hệ thống siêu thị này lại là nông sản, đặc sản của các tỉnh, tỷ lệ nông sản Hà Nội được bày bán ở đây rất ít. Đơn cử như cuối năm 2015, hệ thống siêu thị Fivimart Hà Nội đã tiêu thụ lượng cam Canh Hưng Yên cao gấp 4-5 lần lượng cam Canh Hà Nội.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2.500 tấn rau củ các loại. Trong khi đó, khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ mới đáp ứng được 70% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, 32% cá, 60% rau củ... Số thực phẩm còn lại phải trông chờ từ nguồn thực phẩm nhập khẩu từ các tỉnh khác cung cấp. Chính nhu cầu thực phẩm của Hà Nội đang tỷ lệ nghịch với khả năng cung ứng nên địa bàn Thủ đô luôn được coi là vùng đang có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Do đó, việc bỏ quên thị trường nội địa không chỉ làm thất thu kinh tế mà việc kiểm soát thực phẩm an toàn khó khăn hơn. 

Tại Hội nghị triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, việc Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực phẩm, 38% nhu cầu gạo là sự "vô lý" cần phải được giải quyết. "Các tỉnh ngoài ở xa, nông sản đưa vào nội thành Hà Nội phải chịu chi phí vận tải mà vẫn có mặt trên thị trường, trong khi sản phẩm nông sản của chính Hà Nội lại ít có mặt là điều các nhà quản lý cần phải suy nghĩ. Đây là nhiệm vụ của Ban Tái cơ cấu nông nghiệp thành phố. Phải làm sao gắn kết, đưa doanh nghiệp vào chuỗi liên kết 4 nhà, liên kết với thị trường" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. 

 

Để lấy lại vị thế cho nông sản Hà Nội, ngành nông nghiệp cần định hình hướng đi đúng, xác định rõ đâu là thị trường khai thác. Đặc biệt, trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang bức xúc như hiện nay việc xác lập chuỗi sản xuất theo quy chuẩn là điều bắt buộc phải làm đối với nông nghiệp Hà Nội. Trong giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp Hà Nội phải bứt phá, gắn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn để có sản phẩm an toàn với số lượng lớn. 

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) cho rằng: Để các sản phẩm nông sản của Hà Nội đến được các siêu thị, nhà hàng và được người tiêu dùng Thủ đô chọn lựa, ngoài việc xây dựng những mô hình nông sản an toàn, theo chuỗi thì việc quảng bá, xúc tiến thương mại cũng cần được quan tâm xứng tầm. Hà Nội không thiếu nông sản có thương hiệu, không thiếu nông sản có chất lượng an toàn… nhưng do chưa kết nối được doanh nghiệp, chưa định rõ được thị trường nên việc buôn bán mới chỉ qua thương lái, hiệu quả chưa cao. Thành phố nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn Thủ đô.

(Theo HNM)

Top