Liên kết những “câu chuyện văn hóa, lịch sử” để thu hút khách du lịch

15/11/2021 1:08 PM

(Chinhphu.vn) - Tiềm năng phát triển du lịch hiện nay của Hà Nội còn rất lớn, tuy nhiên để khai thác và phát triển hết thế mạnh này Hà Nội cần có sự liên kết giữa các vùng, sản phẩm du lịch… để tạo nên “câu chuyện văn hóa” có sức hấp dẫn, thu hút khách thăm quan.

Ông Emmanuel Cerise. Ảnh: Minh Anh

Trên đây là đánh giá của ông Emmanuel Cerise-Kiến trúc sư, nhà quy hoạch người Pháp, đã làm việc tại Hà Nội 10 năm với tư cách là đại diện của vùng Thủ đô Paris, đồng thời là Giám đốc của cơ quan về hỗ trợ hợp tác quốc tế của vùng Paris tại Việt Nam (cơ quan có những nội dung hợp tác và các dự án hợp tác liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó tập trung vào phát triển đô thị Hà Nội, bao gồm cả quy hoạch, môi trường, giao thông, du lịch và di sản).

Theo ông Emmanuel, khách du lịch gồm nhiều đối tượng khác nhau, cả khách nội địa và khách quốc tế, trong khách quốc tế có khách châu Á và châu Âu. Với tư cách là một khách du lịch phương Tây, ông Emmanuel cho rằng: “Thông thường một người khách châu Âu đến Việt Nam họ muốn tìm tất cả những gì họ được chứng kiến mà điều đó phải thực sự khác biệt với những thứ họ vẫn gặp thường ngày trong cuộc sống tại đất nước bản địa của họ. Vấn đề họ quan tâm đến chính là những nét đặc trưng văn hóa bản địa như ở Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám hay khu phố cổ hoặc ở các làng nghề… Đó là những điểm thực sự thu hút họ”.

Hiện nay, Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Hà Nội vốn nổi tiếng với các làng nghề hay làng cổ nhưng vẫn còn những địa danh khác rất có giá trị, nhưng chưa phát huy được hết thế mạnh của địa danh đó. Điển hình như chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm gian… Tất cả những điểm đến đó sẽ thu hút được lượng khách rất lớn nếu chúng ta biết cách phát huy một cách đúng nghĩa và xây dựng được những tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.

Bàn về vấn đề đầu tư cho du lịch tại những điểm đến, theo ông Emmanuel, vấn đề này không cần ngân sách quá lớn vì quan trọng là có được những hình thức hỗ trợ cho du khách trong quá trình thăm quan, tìm hiểu. Ví dụ như chúng ta cần xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, giúp cho du khách biết họ nên xem gì và có những thông tin như thế nào. Bên cạnh đó một vấn đề cần cải thiện là hệ thống thông tin diễn giải, thuyết minh cho khách. Đơn cử như vào thời đại phong kiến Việt Nam thì quá trình học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan như thế nào… Tất cả những điều đó là các giá trị văn hóa, thuộc về đặc thù văn hóa của phương Đông mà người phương Tây nếu như không được giải thích họ sẽ không hiểu và cũng sẽ thấy không có giá trị nhiều.

“Chúng ta cũng không nên dừng lại ở việc chỉ thuyết minh, hướng dẫn ở từng điểm rời rạc với nhau sẽ làm giảm giá trị của di tích mà phải liên kết được một số điểm có đặc điểm chung để kể cho du khách nghe những câu chuyện có phạm trù rộng hơn.”, ông Emmanuel chia sẻ.

Tương tự như vậy khi phát triển du lịch làng nghề không chỉ tập trung duy nhất vào mỗi làng nghề mà cần hướng đến nghề đó phải được đặt trong một địa bàn, bối cảnh để từ đó du khách sẽ hiểu được sản phẩm của làng nghề đó dùng nguyên liệu gì, được sử dụng ở những đâu, cung cấp tại thị trường nào? Như vậy chúng ta cần xây dựng tour mang tính chất chuyên đề để du khách thấy làng nghề không chỉ có một câu chuyện riêng lẻ, độc lập, đơn độc mà nằm trong một không gian văn hóa nhất định.

Theo ông Emmanuel hiện nay du lịch ẩm thực cũng được nhiều du khách quan tâm tuy nhiên lại chưa được chú ý. Vì vậy cần xây dựng ẩm thực thành sản phẩm du lịch chuyên đề sẽ tạo ra sự khác biệt để du khách có thể tìm hiểu, khám phá đường phố của Hà Nội với những đặc sản đặc trưng của Thủ đô. Tất cả những điều đó có thể đưa vào du lịch theo tuyến.

Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch để dịch vụ du lịch gần gũi, thân thiện hơn. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về du lịch để đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Minh Anh

Top