Luôn quan tâm, chú trọng đến đời sống công nhân

01/11/2017 3:29 PM

(Chinhphu.vn)-Những năm gần đây, nhờ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Thành phố cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) mà đời sống tinh thần của công nhân ngày được nâng lên. Song, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn đòi hỏi các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa.

Hiện nay, trong tổng số 10 KCN đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội với quy mô trên 1.700 ha đất và khoảng trên 144.000 công nhân, mới có có 4 KCN đã bố trí đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở công nhân là: KCN Phú Nghĩa, KCN Thăng Long, KCN Quang Minh II, KCN Thạch Thất-Quốc Oai (Công ty TNHH Young Fast và Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam tự bố trí quỹ đất trong diện tích đất được thuê để xây dựng nhà  ở công nhân).

Có 4 KCN không thể điều chỉnh tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân gồm: KCN Nội Bài, KCN Sài Đồng, KCN Nam Thăng Long, KCN Thạch Thất-Quốc Oai (đất xây dựng nhà ở công nhân cho cả khu công nghiệp) trong khi số lao động trong các KCN đều tăng dần qua các năm.

Điển hình tại KCN Phú Nghĩa với diện tích 170,1 ha và 78,4 ha phần diện tích mở rộng mới. Đến nay, KCN này đã trở thành KCN đồng bộ, hiện đại, kiểu mẫu của TP.Hà Nội, thu hút gần 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỷ lệ thu hút đầu tư đã lấp đầy hơn 140 ha, chiếm gần 85% diện tích đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó có trên 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất các ngành nghề khác nhau, thu hút hơn 10.000 lao động và khoảng 3.000 lao động phụ trợ ngoài KCN.

Mặc dù năm 2010, KCN đã xây dựng và khánh thành tòa nhà 6 tầng với 106 phòng cho thuê, đã đáp ứng được phần nhu cầu nhà ở của các công nhân trong khu công nghiệp. Các điều kiện kèm theo như nhu cầu về nước sạch đã được đáp ứng đầy đủ, hệ thống thông tin liên lạc, cáp quang và viễn thông bảo đảm cung cấp cho toàn bộ tòa nhà. Nhưng, tại KCN vẫn chưa có chợ, siêu thị, không có phòng khám, bệnh viện…

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân tại KCN Phú Nghĩa chia sẻ, chị có may mắn thuê được nhà trong KCN nhưng vì tại KCN chưa có chợ hay siêu thị nên mỗi sáng chị phải đi mua ở các chợ ở xa KCN, khiến việc sinh hoạt hằng ngày vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội đánh giá, ngoài việc thiếu chỗ ở, chỗ gửi con, việc thực hiện chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thường vi phạm về việc để công nhân làm thêm quá nhiều giờ, thì các doanh nghiệp trong nước vi phạm nhiều vấn đề như chế độ bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;... Nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chưa thực hiện đầy đủ về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Tạo điều kiện hỗ trợ cho công nhân về nhà ở, khu vui chơi

Nâng cao đời sống của công nhân lao động tại các KCN, chế xuất là nội dung luôn được TP.Hà Nội, các cấp công đoàn chú trọng. Hiện, Thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Kế hoạch triển khai công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các KCN, khu chế xuất trên địa bàn. Trong đó có nội dung bố trí quỹ đất và các nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân tại các KCN.

Xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN. Mục tiêu đến năm 2018, hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân, người lao động tại các KCN trên địa bàn Thành phố. Xây dựng một mô hình thí điểm về tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại 1 đến 2 KCN lớn của Thành phố.

Bên cạnh đó, xây dựng mới và hoàn thiện một số thiết chế văn hóa, thể thao tại KCN Bắc Thăng Long, KCN Nội Bài, KCN Quang Minh, KCN Phú Nghĩa.

Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Sở, ngành kiểm tra, rà soát lập danh mục các công trình về nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa thể thao cần đầu tư xây dựng phục vụ cho công nhân người lao động tại KCN trên địa bàn, đề xuất nguồn vốn đầu tư. Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội và quận, huyện có KCN trên địa bàn rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, đồng thời bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa, trung tâm thể thao, nhà trẻ, trường học.

Không những vậy, đời sống tinh thần của công nhân cũng dần được nâng lên nhờ việc Thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao trong công nhân; phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong công nhân; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp; phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân; tổ chức tốt các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân.

Diệu Anh

Top