Năm 2023: Vận hành các hệ thống phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành

09/12/2022 7:08 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt phần mềm, áp dụng công nghệ qua các hệ thống quản lý hành chính mới. Đây là giải pháp trọng tâm nâng cao kỷ cương, kỷ luật và thực hiện lời hứa, cam kết với nhân dân.

Năm 2023: Vận hành các hệ thống phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/GH

Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND TP và cử tri quan tâm

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong năm 2023

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, về giải quyết kiến nghị cử tri, Thành phố đã chỉ đạo xử lý thỏa đáng 357 ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7. Giám sát thực hiện, thành phố đã chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri, đôn đốc giải quyết 278 kiến nghị còn tồn tại.

Thông qua nắm bắt kiến nghị cử tri, đã tháo gỡ, đáp ứng một phần nguyện vọng của nhân dân Thủ đô. Cụ thể, đã cây dựng tờ trình về cơ chế chính sách, cơ bản đảm bảo chất lượng tiến độ, trong đó có nhiều nội dung quan trọng về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế -xã hội. Đây là cơ sở pháp lý khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đảm bảo công tác an ninh xã hội.

Ngoài ra, thành lập Ban chỉ đạo do  1 Phó Chủ tịch là trưởng ban để tập trung đầu tư 6 công viên, cải tạo 5 công viên và nâng cấp 45 công viên; Đã chỉ đạo dừng bán vé vào cửa Công viên Thống Nhất, hạ thấp hàng rào công viên này để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.

Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại và các đại biểu còn kiến nghị như: Kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm; Còn nhiều nhiệm vụ công tác được giao chậm tiến độ, chuyển đổi số còn chậm; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn năm trước nhưng còn thấp so với tiến độ đề ra.

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị ngày càng quá tải; xuất hiện tình trạng thiếu thuốc trang thiết bị y tế, tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND TP nói và cho biết, Thành phố cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, siết chặt kỷ cương hành chính để từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Về nhiệm vụ chỉ đạo trọng tâm 2023, do được dự báo tiếp tục phức tạp khó lường về mọi lĩnh vực, có thể còn khó hơn năm 2022; TP xác định quyết liệt đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo; Khắc phục triệt để hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2022.

Bên cạnh đó sẽ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế chính sách, tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập quy hoạch thủ đô 2021-2030, tầm nhìn 2050; Triển khai thực hiện dự án Vành đai 4 đảm bảo tiến độ đề ra; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, đẩy mạnh quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị; Thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh phí…

Năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt phần mềm, hệ thống quản lý mới

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, năm 2020, UBND THành phố chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND Thành phố để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố từ đầu năm 2023.

Đó là, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố với 171 thông số báo cáo; Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao; Hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Tại phiên chất vấn HĐND TP. Hà Nội chiều 9/12, các đại biểu đã nêu vấn đề chất vấn Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh một số vấn đề liên quan tới giải pháp cho các dự án chậm tiến độ và công tác quản lý xử lý nước thải và thoát nước, xử lý nước thải tại làng nghề.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) nêu: Tại các phiên giải trình của Thường trực HĐND, phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 và thứ  7 của HĐND, lãnh đạo UBND TP đã đưa ra nhiều mốc tiến độ với các dự án chậm triển khai. TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chậm.

Đại biểu Lê Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) nêu thực trạng Thành phố có nhiều con sông, ao hồ điều hoà nhưng chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Qua giám sát của HĐND còn tình trạng thiếu hồ điều hoà, thu hẹp hồ điều hoà. Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND TP nêu quan điểm chỉ đạo giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) nêu trên địa bàn có 309/313 làng nghề truyền thống được công nhận nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đề nghị Chủ tịch UBND TP làm rõ thêm thực trạng, kế hoạch, giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới để xử lý vấn đề vấn đề ô nhiễm làng nghề?

Về câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, các dự án sau khi được chất vấn tại các kỳ họp đều có chuyển biến tích cực, dưới sự giám sát của các cơ quan HĐND và nhân dân. Trong đó rõ nhất là chuyển biến tích cực về thái độ, tinh thần. Có nhiều việc đã hoàn thành theo kế hoạch nhưng cũng có những việc chưa đạt, không đạt do nhiều nguyên nhân.

Về quan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt phần mềm, hệ thống nêu trên. Đây là biện pháp mới để tăng cường quản lý, giám sát nhằm nâng cao kỷ cương kỷ luật, kỷ cương, thực hiện lời hứa với Nhân dân.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng mong muốn cử tri, Nhân dân chia sẻ với Thành phố bởi khối lượng công việc là rất nhiều.

Hà Nội có 10 triệu dân phải quản lý từ khi khai sinh cho đến khai tử mà số lượng cán bộ công chức của Hà Nội không nhiều hơn các địa phương khác. Chủ tịch TP. Hà Nội mong muốn cử tri chia sẻ với hệ thống chính trị nói chung, trong đó có UBND TP và UBND các cấp. Nhưng với trách nhiệm với nhân dân ta phải làm tốt hơn, không thể thoái thác.

Gia Huy

Top