Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước

03/08/2021 6:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-LĐLĐ về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”. Trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đối với hoạt động Công đoàn cơ sở trong thời gian tới, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

CĐCS khu vực ngoài nhà nước lấy người lao động làm trung tâm.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Giai đoạn 2015-2020 đã có 2.887 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được thành lập mới, kết nạp 243.117 đoàn viên công đoàn. 

Hoạt động CĐCS tuy gặp khó khăn, nhưng với sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của Công đoàn cấp trên đã ngày càng đi vào thực chất, có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Phát huy tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Đã có 3.547 doanh nghiệp ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Hàng năm có trên 65% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động và thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Từ đó góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện nay chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động. Một số nơi hoạt động CĐCS còn dàn trải, chủ yếu là các hoạt động bề nổi, mà chưa tập trung hướng đến nhiệm vụ cốt lõi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;...

Mỗi năm thành lập ít nhất 400 CĐCS khu vực ngoài nhà nước

Từ việc đánh giá những kết quả đạt được, mặt còn tồn tại, hạn chế và phân tích rõ nguyên nhân, Nghị quyết 15/NQ-LĐLĐ đã nêu rõ quan điểm của Liên đoàn Lao động Thành phố đồng thời đề ra mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể cho công tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thời gian tới.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố xác định mục tiêu tổng quát là phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS phải gắn với nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động của doanh nghiệp; lấy việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi, trên cơ sở hài hòa về lợi ích.

3 mục tiêu cụ thể được đề ra, trước hết là về phát triển đoàn viên. Tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn; đến năm 2025 phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên Công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐCS. Hằng năm có ít nhất từ 55% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước xếp loại chất lượng hoạt động từ tốt trở lên.

Mục tiêu cụ thể thứ 2 là về thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Các cấp Công đoàn Thủ đô phấn đấu đến năm 2023 có 75% trở lên đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% xếp loại chất lượng từ B trở lên; đến năm 2025 có 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, doanh ngiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Hoạt động CĐCS thiết thực, hiệu quả

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Nghị quyết của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra 2 nhóm nhiệm vụ lớn với 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, các cấp Công đoàn Thành phố sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp gồm: Đổi mới và nâng cao kết quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp hoạt động chưa có CĐCS; gắn việc nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là động lực thúc đầy công tác phát triển tổ chức; tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông các hoạt động của CĐCS đến với người lao động và người sử dụng lao động.

Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung thực hiện 4 giải pháp gồm: Nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đặc biệt đội ngũ cán bộ CĐCS; tăng cường sự kết nối, hỗ trợ thường xuyên giữa Công đoàn cấp trên với Công đoàn cấp dưới và giữa CĐCS với đoàn viên, người lao động; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của CĐCS theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; đảm bảo nguồn tài chính Công đoàn tại cơ sở và hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả.

Đáng chú ý, đối với giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; 

Thiện Tâm

Top