Ngăn chặn nguy cơ “vỡ trận” dịch bệnh sốt xuất huyết

20/07/2017 2:23 PM

(Chinhphu.vn)-Tình hình diễn biến của dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên diện rộng toàn thành phố Hà Nội. Tại các bệnh viện tuyến đầu, số ca bệnh tăng nhanh, dịch bệnh tập trung chủ yếu ở các quận nội thành.

Khu vực Hà Nội những ngày qua đang chịu ảnh hưởng của bão số 2, mưa nhiều, lượng mưa lớn liên tục, là điều thuận lợi để muỗi sinh sôi phát triển truyền bệnh. Qua đó, diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng tăng mạnh, trên diện rộng.

Tính đến thời điểm này đã có 5.700 trường hợp mắc bệnh SXH trên 30 quận huyện toàn thành phố. Trong đó các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình... vẫn là tâm điểm của dịch bệnh. Đã có một trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5 và gần nhất là một trường hợp tử vong ngày 14/7 tại phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Hiện tại, quận Hoàng Mai và quận Đống Đa đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh SXH. Đây là hai quận có số người mắc SXH cao nhất trên địa bàn thành phố. Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Hoàng Mai tích lũy 888 ca mắc SXH với 189 ổ dịch tại 14/14 phường. Đối với quận Đống Đa ghi nhận 1.050 ca mắc sốt xuất huyết với 186 ổ dịch tại 19/21 phường.

Theo PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “SXH là bệnh truyền nhiễm và véc tơ truyền bệnh chính là muỗi vằn Aedes aegipti. Loài muỗi này sống ở đô thị, phát triển mạnh ở những vùng mới đô thị hóa, thích sống trong nhà, đậu trên mắc quần áo; muỗi thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch (nước mưa); nơi sinh sản trong nhà của muỗi là chum vại sành chứa nước, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, lọ hoa, chậu cây cảnh... Do vậy, nếu cả tổ dân phố phối hợp phun hóa chất và chủ động vệ sinh môi trường nhưng chỉ 1 hộ gia đình không hợp tác thì muỗi có thể bay sang nhà bên cạnh, tiếp tục đẻ trứng, sinh trưởng và truyền bệnh”.

Trước tình hình dịch bệnh ở mức báo động như hiện nay, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn theo chỉ đạo của thành phố và huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc để công tác phòng chống dịch bệnh được hiệu quả.

Đồng thời, UBND các quận cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng dịch đến các phường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng mọi hình thức để người dân biết được tình hình dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay tại chính gia đình của mình.

Bên cạnh đó, tích cực vệ sinh môi trường, phun hóa chất, lật úp các vật dụng chứa nước không để muỗi có môi trường sinh trưởng, phát triển. Cộng đồng, các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể cần phối hợp với ngành y tế nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Người dân không được chủ quan với bệnh, nếu có biểu hiện, dấu hiệu của SXH cần nhanh chóng đến thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà, tránh nguy cơ lây bệnh cho mọi người xung quanh.

Minh Nhung

Top