Ngăn thực phẩm ‘bẩn’ vào chợ: Cần giải pháp căn cơ?

19/05/2016 5:13 PM

(Chinhphu.vn) - Nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân Thủ đô là tất yếu trong bối cảnh thực phẩm được nuôi trồng, chế biến có sử dụng chất cấm tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ việc tiêu thụ sản phẩm sạch tại các chợ truyền thống lại rất khó. Do đó, cần có những giải pháp căn cơ để đưa thực phẩm sạch vào các chợ.

Hiện nay thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua chợ truyền thống - Ảnh internet

Hiện nay, thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Mạng lưới chợ được phân bố tới cấp xã, phường. Hầu hết các chợ đều có kinh doanh chế biến hàng thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm chủ yếu được lưu thông qua chợ bao gồm: thịt gia súc, gia cầm; hàng thuỷ, hải sản tươi sống; hàng rau, củ, quả; hàng lương thực, ngũ cốc; hàng ăn và đồ uống, thức ăn chín; hàng thực phẩm công nghệ tổng hợp (bánh kẹo, hàng khô...). Có thể nói chợ thực phẩm là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho mỗi gia đình.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện có hơn 80% người tiêu dùng Hà Nội vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc, hàng rong. Trong khi hàng hóa, thực phẩm tại các điểm phân phối này rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Ban quản lý chợ Mơ cho biết, tuy đã được tuyên truyền, cung cấp các thông tin, kiến thức liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế, tình hình mất ATTP vẫn có nguy cơ xảy ra; việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán hàng và người tiêu dùng còn chưa cao.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra ATTP tại địa bàn chợ rất khó khăn do tình trạng buôn lậu, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng như các chất phụ gia trong nuôi, trồng, chế biến vẫn tồn tại, thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau nhưng Ban quản lý chợ chưa có trang thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm...

Cần kiểm soát chặt chẽ từ nguồn cung

Để đưa thực phẩm sạch vào các chợ truyền thống, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đồng thời bảo đảm các điều kiện về VSATTP; kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến từ tất cả các khâu nhằm đảm bảo đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.

Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức đào tạo tập huấn về ATTP cho cán bộ ban quản lý chợ, các hộ kinh doanh thực phẩm và những mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ mất ATTP tại chợ. Đặc biệt, nội dung đào tạo, tập huấn phải gắn liền thực tế tại chợ, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của hộ kinh doanh, cập nhật tình hình vi phạm ATTP về từng mặt hàng thực phẩm, danh mục các chất cấm, không an toàn thường bị lạm dụng và tác hại của chúng với sức khỏe con người, cách nhận biết thực phẩm an toàn...

Quan trọng nhất là tiến hành thí điểm và nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" để chợ truyền thống trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi này.

Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình giao thương, liên kết thị trường với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn đưa sản phẩm vào chợ; liên kết giữa nguồn cung - cầu nhằm giảm bớt khâu trung gian đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối chợ truyền thống với giá cả phù hợp. Khắc phục tâm lý nhà sản xuất chỉ muốn đưa sản phẩm thực phẩm sạch qua các kênh siêu thị, nhà hàng, khách sạn mà không mặn mà với chợ truyền thống do nguồn hàng bán chỉ có hạn, đồng thời cũng dễ dàng kiểm soát, truy xuất chất lượng sản phẩm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang tập trung vào các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, để làm sao phấn đấu từ 80-90% cuối năm nay các hộ đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường rồi kiểm tra công tác lưu thông sản phẩm trên địa bàn thành phố, để làm sao ngăn chặn những sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đưa vào thị trường Hà Nội.

Thùy Linh

Top