Nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên – cần quyết tâm lớn

30/11/2020 8:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, nếu muốn đạt mục tiêu 10 năm tới phục dựng được không gian Điện Kính Thiên thì cần phải có sự chung tay của nhiều chuyên ngành, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học uyên thâm, tâm huyết và một quyết tâm chính trị lớn.

Thềm Điện Kính Thiên

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung tâm Hoàng Thành được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới (2010-2020), TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên.

Theo TS.Nguyễn Văn Sơn, việc nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên đã khởi động khá lâu, từ 7 năm, nhưng so với yêu cầu còn khá chậm. Hiện nay, đã khai quật phía trước của thềm Điện Kính Thiên, các nhà chuyên môn đã làm rõ được quy mô của sân Long Trì và hệ thống Trường Lang, đi dọc từ Đoan Môn vào đến chính Điện Kính Thiên; đã làm rõ một số cấu trúc, kiến trúc trên mái của thời kỳ Lê Sơ, Lê Trung Hưng của khu vực Trung tâm Cấm thành Thăng Long. Nhưng hiện nay chúng ta chưa biết được quy mô của Điện Kính Thiên, chưa biết được kích thước của từng gian và số gian trong Điện.

Theo TS.Nguyễn Văn Sơn, không có không gian Điện Kính Thiên thì Hoàng Thành Thăng Long khó có thể phát huy hết giá trị của Di sản. Những giá trị tiêu biểu ở trong lòng đất chúng ta có rất nhiều di sản và điều đó nói lên giá trị trường tồn của di sản, sức sống của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ nhưng người dân thì không thể hiểu hết được như các nhà chuyên môn về giá trị của di sản nếu chỉ thông qua những hiện vật và di vật khảo cổ học.

Người dân, khách du lịch và các nhà chuyên môn đều mong muốn phục dựng được Điện Kính Thiên để có thể hình dung được Điện Kính Thiên xưa. “Người dân không thể hiểu như các nhà chuyên môn về giá trị di sản này nên chúng ta phải có một mô phỏng rất rõ để hình dung và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo có tính giáo dục cao”, TS.Nguyễn Văn Sơn nói.

Theo TS Nguyễn Văn Sơn, nếu làm việc tích cực và hiệu quả nhất với sự chung tay, đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học thì việc phục dựng Điện Kính Thiên cần có 5 năm để tiến hành tiếp tục khai quật khảo cổ và nghiên cứu liên ngành về Điện Kính Thiên. Sau đó cần 5 năm để tiến hành công việc phục dựng.

TS.Nguyễn Văn Sơn cho biết, chắc chắn việc phục dựng không thể thực hiện ngay mà cần phải có lộ trình. Nếu chúng ta không quyết tâm làm từ năm nay thì mục tiêu 10 năm tới phục dựng không gian Điện Kính Thiên là không không thể làm được. Việc phục dựng lại các kiến trúc cổ trong kinh đô cũ ở một số nước cũng đã được thực hiện và nhận được đánh giá cao của các nhà nghiên cứu. Điển hình như công trình phục dựng Đại kim điện trong khu cố đô Nara của Nhật hay phục dựng cố đô tại Hàn Quốc.

TS Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng, việc phục dựng các di tích di sản không thể tránh việc có ý kiến khác nhau và cần quyết tâm cao mới làm được. Ví dụ như Điện Lam Kinh được xây dựng khi kháng chiến chống Minh thắng lợi. Điện Lam Kinh đã được khôi phục lại. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đã có một Điện Lam Kinh để người dân đến thăm, hiểu rõ hơn một phần lịch sử của dân tộc. Hay khoảng gần 20 năm trước, khi quyết định xây dựng Nhà Thái học cũng có nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên giờ đây nhà Thái học khá hài hòa trong không gian Di tích lịch sử Văn Miếu.

TS.Nguyễn Văn Sơn cho biết, khi phục dựng một công trình, chúng ta sẽ thực hiện việc khai quật khảo cố, tiếp tục có nghiên cứu, có căn cứ khoa học để dựng lại một không gian Điện Kính Thiên đúng nhất với Điện Kính Thiên trong lịch sử.

Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Điện Kính Thiên – cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần. Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng để trị nước.

Sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành (hay Long Thành, Long Phượng Thành) trong thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê.

Năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ tiếp tục đóng đô tại Thăng Long, cho xây dựng sửa sang lại hoàng thành bị hư hại. Điện Kính Thiên được xây dựng trong thời kì này.

Từ năm 1788, khi Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân – Huế và sau đó nhà Nguyễn (1802 – 1945) cũng định đô tại đây thì thành Thăng Long trở thành trụ sở của Trấn Bắc Thành. Năm 1805, Vua Gia Long cho xây dựng khu vực này làm hành cung để vua sử dụng mỗi khi các vua nhà Nguyễn “Bắc tuần”.

Đến 1816, điện bị phá huỷ, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay). Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên được thực hiện từ nhiều năm trước. Phục dựng Điện Kính Thiên là nội dung đã đưa ra trong quy hoạch của Bộ Xây dựng. Hiện nay, thành phố Hà Nội đặt nhiệm vụ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong gìn giữ di sản Hoàng thành Thăng Long.

Minh Anh

Top