Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết

05/01/2021 10:00 AM

(Chinhphu.vn) – Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Chiều 4/01, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, 100% các địa phương, 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt 39.400 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể; 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, việc thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại do phải kiểm soát giá cả; trong việc cung ứng hàng hóa, quy định các điểm dừng, điểm đỗ vẫn phải theo quy định chung, do đó còn khó khăn trong công tác vận chuyển đưa hàng hóa từ các kho hoặc các tỉnh đến các điểm bán; việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn vướng thủ tục giấy tờ do những quy định riêng từ phía ngân hàng.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn như: BigC, VinComert, Saigon Coop… cho biết cùng với việc kinh doanh thường xuyên, các doanh nghiệp đã lên phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 2-3 lần so với ngày thường để bảo đảm nhu cầu ngày Tết cũng như sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông ghi nhận công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2021 đã được Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp bình ổn giá lên phương án thực hiện nghiêm túc.

Thời gian tới, đề nghị Sở Công Thương Hà Nội, các sở ban ngành, các doanh nghiệp phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, yêu cầu về kế hoạch chuẩn bị Tết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT…ở tất cả các vấn đề từ chất lượng đến lưu thông phân phối.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng nhiều tập trung trong dịp Tết như bia, rượu, lương thực thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra những vấn đề lớn về an toàn thực phẩm.

Về những kiến nghị của các đơn vị tại cuộc họp liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa dịp Tết, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị Sở Công Thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an… để hỗ trợ cho các đơn vị vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.

Thùy Linh

Top