Nhiều chuyển biến trong tổ chức lễ hội đầu Xuân

24/02/2016 10:19 AM

(Chinhphu.vn) – Nhờ chủ trương từ sớm và cụ thể, phân cấp quản lý rõ ràng trong quản lý lễ hội, công tác tổ chức lễ hội đầu Xuân trên địa bàn Hà Nội năm 2016 đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ tích cực.

Khai hội lễ hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn. Ảnh Huy Anh

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, mùa lễ hội năm nay trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến, tiến bộ hơn so với những năm trước một phần là do Thành phố đã có chủ trương từ sớm và khá cụ thể về công tác tổ chức tới từng lễ hội tại các địa phương.

Thành phố giao trách nhiệm từng cấp, từng ngành chịu trách nhiệm về những nội dung liên quan đến lễ hội. Các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của người dân đã được nâng cao một cách rõ rệt.

Nơi nào chính quyền vào cuộc tích cực nơi đó chuyển biến

Theo ông Tô Văn Động, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở một số điểm “nóng” như chùa Hương, Đền Sóc… đã được Sở VHTT chỉ đạo, làm việc với UBND các huyện và Ban quản lý di tích ở những lễ hội này nhằm bàn bạc, tìm giải pháp hạn chế tối đa những sơ xuất, hạn chế đã xảy ra ở những năm trước đây.

Rút kinh nghiệm từ mùa lễ hội năm ngoái, năm nay, Ban tổ chức lễ hội Đền Gióng đã xây dựng kế hoạch bảo vệ lễ hội từ rất sớm, huy động các lực lượng vào cuộc, tăng cường bảo vệ lễ hội với tiêu chí kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo lực trong nghi thức cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau (một nghi thức truyền thống của lễ hội). Nhờ vậy, năm nay, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn không còn tái diễn tình trạng bạo lực trong tranh cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau.

Tại đền Hạ và đền Mẫu, khi nghi thức “tán lộc” được các cao niên chính thức phát ra, tình trạng chen lấn, xô đẩy để cướp lộc vẫn diễn ra nhưng không còn bạo lực, xô xát giữa những người hành lễ và người dân.

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 73 lễ hội truyền thống. Tháng Giêng là tháng có mật độ lễ hội diễn ra nhiều nhất với 32 lễ hội. Qua kiểm tra thực tế tại Khu di tích lịch sử Đền Và, phường Trung Hưng và Chùa Mía, xã Đường Lâm cho thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội của thị xã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa.

Các hiện tượng mê tín dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc, chèo kéo ép khách đã được khắc phục, an ninh trật tự được đảm bảo. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, phòng chống cháy nổ được chú trọng thực hiện. Việc thu, chi các khoản phục vụ cho di tích, lễ hội đều công khai, minh bạch, đúng quy định. Các nghi thức trong lễ hội được thực hiện theo đúng quy chế, phần hội được tổ chức vui tươi, an toàn, lành mạnh với các trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống.

Còn tại lễ hội Chùa Hương, tính riêng ngày mùng 4 Tết có 5 vạn khách tham quan và ngày mùng 5 Tết có khoảng hơn 6 vạn lượt khách. Chính vì lượng du khách đổ về chùa Hương tăng cao nên tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường dẫn vào chùa Hương đã xảy ra ở cả đường bộ lẫn cáp treo. Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 15 đội xử lý và kiểm tra liên ngành để bảo đảm an toàn cho lễ hội Chùa Hương năm nay, đặc biệt tăng cường quản lý, đảm bảo trật tự, giao thông đi lại thuận lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông Tô Văn Động nhận định, thực tế hoạt động tại các lễ hội, di tích đầu năm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ở nơi nào chính quyền sở tại và các cấp, các ngành vào cuộc tích cực thì nơi đó có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Trong thời gian tới, nhằm duy trì được kết quả quản lý và tổ chức lễ hội cũng như làm tốt hơn công tác này ở những năm sau, cần có sự thống nhất cao giữa chỉ đạo của Thành phố tới các cấp, các ngành và cơ sở. Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến văn hóa lễ hội…

Về lễ hội Gióng ở đền Sóc, huyện Sóc Sơn, theo ông Tô Văn Động, trong những năm tới, Sở VHTT dự kiến sẽ gợi ý cho Ban Quản lý thực hiện “phát” lộc một cách rộng rãi hơn để giảm tình trạng tranh cướp và giảm những hình thức phản cảm diễn ra trong lễ hội này. “Cướp” lộc tại Đền Sóc là một nghi thức truyền thống của lễ hội Gióng, song nội dung này cần phải được thực hiện một cách thực sự có văn hóa và thật văn minh, tiến bộ.

Còn ở lễ hội chùa Hương, việc đông khách hành hương tìm đến đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là khó khăn đối với Ban Quản lý di tích. Đặc biệt là vấn đề an ninh, vận chuyển khách cần có nhiều hình thức và biện pháp khác nhau để làm giảm nạn ách tách xảy ra. Để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại chùa Hương khi lượng khách kéo về quá đông, cần huy động lực lượng lớn hơn, bỏ nhiều kinh phí hơn thì mới đảm bảo thực hiện tốt công tác này.

Vì vậy, trong công tác quản lý tổ chức lễ hội vẫn cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, rải tiền lẻ ở nơi thờ tự… Các Ban quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân; cử những người có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở và xử lý khi có sai phạm.

Để mùa lễ hội 2016 diễn ra an toàn, đúng ý nghĩa, mục đích, các địa phương cần  tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về văn minh lễ hội tới đông đảo người dân và du khách. Các hàng quán xung quanh khu vực di tích cần được bố trí hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường góp phần phục nhu cầu đi lễ trẩy hội du xuân của nhân dân và du khách thập phương.

Huy Anh

Top